Giá cá liên tục giảm
Những ngày sau Tết, tuy cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang) vẫn tấp nập tàu câu CNĐD cập bến nhưng nhiều ngư dân không vui bởi giá CNĐD sụt giảm liên tục. Vừa trở về sau chuyến câu kéo dài gần 20 ngày tại ngư trường Trường Sa, ông Văn Đình Tiến - tài công tàu KH90297TS cho biết: “Chuyến đi vừa qua, tàu chúng tôi câu được 3, 4 tấn CNĐD. Tuy thu được sản lượng cao nhưng khi vào đến bờ, được tin giá cá giảm chỉ còn 60 nghìn đồng/kg, ai cũng buồn”. Theo tính toán của ông Tiến, chuyến đi vừa rồi, tàu ông chi phí hơn 150 triệu đồng. Sau khi bán cá, ông chỉ thu được 230 triệu đồng, lãi 80 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với trước đây. Chuyến đi biển vừa qua, tàu KH98723TS của ông Nguyễn Kim Hùng ở Hòn Rớ cũng câu được hơn 3 tấn CNĐD. Sau khi trừ chi phí, ông lãi 50 triệu đồng. “Hơn 10 năm nay, chưa bao giờ tôi thấy giá CNĐD giảm thê thảm như lúc này. Thời điểm cuối năm 2012, giá cá lên đến 180 - 210 nghìn đồng/kg, bây giờ giảm còn chưa đến 1/3. Từ Tết Nguyên đán đến nay, giá cá giảm đến 20 nghìn đồng/kg; gọi điện cho doanh nghiệp thu mua, họ lại bảo cá đầy kho, chê chất lượng... Rõ ràng, hiện nay, hiệu quả của nghề câu CNĐD rất thấp nên không thể khuyến khích ngư dân yên tâm bám biển” - ông Hùng nói.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá cá khoảng 60 nghìn đồng/kg dành cho CNĐD câu bằng đèn cao áp (dẫn dụ cá bằng đèn), còn cá câu vàng (sử dụng dây câu có hơn 1.000 lưỡi câu giăng ở độ sâu hơn 150m nước) hiện có giá hơn 120 nghìn đồng/kg. Theo chủ vựa cá Thanh Mỹ (Hòn Rớ), sở dĩ thương lái thu mua có sự phân biệt như vậy là do chất lượng cá câu bằng đèn cao áp thấp hơn, thịt có vị chua; khi xẻ, thịt cá không săn chắc, màu sắc đỏ bầm hoặc nhợt nhạt, không đỏ tươi như cá câu vàng truyền thống. Tuy chất lượng CNĐD câu bằng đèn cao áp không cao nhưng vẫn có nhiều tàu câu sử dụng vì năng suất cao hơn so với câu vàng, thời gian mỗi chuyến biển rút ngắn còn khoảng 20 ngày.
Một nguyên nhân khác, giá cá giảm là do thị trường xuất khẩu cá ngừ đang gặp khó khăn, trong khi đây là mùa cao điểm câu CNĐD, lượng cá về nhiều. Ông Trần Ngọc Cường - Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Châu Long (Phước Đồng, Nha Trang) lý giải: “Trước đây, nhờ chất lượng đảm bảo nên 80% lượng CNĐD xuất khẩu đều được các doanh nghiệp xuất khẩu nguyên con. Bây giờ, do chất lượng giảm nên phần lớn CNĐD phải phi lê mới xuất khẩu được. Một khi hàng xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như: Mỹ, Nhật Bản... bị ứ đọng, hàng tồn kho nhiều thì giá cá giảm là điều tất yếu”. Tại chợ thủy sản Nam Trung bộ, trong những ngày qua, giá cá liên tục sụt giảm, thậm chí có ngày giảm 2-3 lần. Hiện nay, tại cảng Hòn Rớ, cá ngừ câu đèn cao áp chỉ có giá từ 55 đến 60 nghìn đồng/kg, cá câu vàng giá 120 - 125 nghìn đồng/kg.
Nằm bờ hoặc chuyển nghề
Cá ngừ đại dương được thương lái thu mua tại cảng Hòn Rớ.
Hiện nay, không ít tàu câu CNĐD của ngư dân đang nằm bờ để chờ giá cá tăng lên, trong đó có tàu KH902397TS của ông Huỳnh Phi Minh. Ông Minh cho biết: “Với giá CNĐD thấp như hiện nay, tàu câu có lãi không nhiều, đa số là huề vốn, thậm chí thua lỗ. Nếu giá cá không tăng thì tàu của gia đình tôi sẽ tiếp tục nằm bờ, bởi ra biển lúc này rất dễ lỗ vốn khi sản lượng đánh bắt thấp”. Theo ông Minh, để phát triển nghề câu CNĐD, các ngành chức năng cần có nghiên cứu, đánh giá về chất lượng CNĐD câu đèn so với CNĐD câu vàng để có khuyến cáo cho ngư dân; đồng thời cũng cần nghiên cứu loại đèn nào phù hợp, vừa dẫn dụ được cá, vừa đảm bảo chất lượng… Trong khi giá cá giảm, tàu của ông Nguyễn Kim Hùng đang chuẩn bị ngư cụ để chuyển sang nghề lưới cản, khai thác cá ngừ sọc dưa. Ông Hùng cho biết: “Do những tàu đi lưới cản cho lãi 150 - 200 triệu đồng/chuyến, gấp đôi, gấp ba so với CNĐD nên tôi quyết định chuyển sang nghề này. Còn với nghề câu CNĐD, bao giờ giá cá tăng lên, chúng tôi mới tính tiếp”.
Theo ông Đỗ Trung Hiệp - Trưởng Ban Quản lý cảng Hòn Rớ, từ đầu năm đến nay, lượng CNĐD về cảng Hòn Rớ khoảng hơn 100 tấn. Hiện nay, giá cá giảm đã khiến hiệu quả của các chuyến biển giảm sút, nhiều ngư dân chuyển sang nghề lưới cản và một số nghề khác hiệu quả cao hơn. Chẳng hạn như: nghề lưới cản, khai thác cá ngừ sọc dưa…, mỗi chuyến biển, ngư dân có thể khai thác được 10 - 15 tấn, với giá cá từ 28 đến 30 nghìn đồng/kg, mỗi tàu có thể thu lãi hơn 150 triệu đồng. Để tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho CNĐD, ông Hiệp cho rằng, thời gian tới, cơ quan chức năng cần phải đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường cho CNĐD xuất khẩu. Bên cạnh đó, cần có một đơn vị đứng ra tìm hiểu thông tin thị trường, giá cả để tránh tình trạng ngư dân bị tư thương ép giá.