Trung bình, cứ 20 ngày những đàn cá giống lại được “xuất chuồng”/ lần với số lượng trên 280.000 con giống. Hàng năm, gia đinh ông đưa ra ngoài thị trường từ 5-6 triệu con giống, giá mỗi con giống dao động từ 700-800 đồng/con, doanh thu hàng tỷ đồng. Có được thành quả như ngày hôm nay vợ chồng ông Lượng đã đổ bao mồ hôi, công sức.
Mô hình nuôi cá ương giống diện tích hơn 10 mẫu mặt nước của ông Nguyễn Văn Lượng, thôn Trung, xã Ngọc Thiện , huyện Tân Yên (Bắc Giang). Ảnh: Nguyễn Hoàn.
Nổi tiếng... nhờ biệt tài ương cá giống
Bắt đầu khởi nghiệp với số tiền vỏn vẹn vài triệu đồng năm 1993, ông Lượng đã mạnh dạn chuyển đổi hơn 1 mẫu đất trồng hoa màu do bố mẹ để lại rồi cải tạo thành hồ, ao ươm cá giống. Sau 24 năm, ông Lượng được biết đến với chủ trang trại ương cá giống lớn nhất, nhì huyện Tân Yên.
Ông Lượng cho biết, hiện mô hình ương giống được mở rộng lên đến hơn 10 mẫu mặt nước, được chia nhỏ thành các ô với diện tích từ 3- 9 sào, xây dựng kiên cố bằng bê tông. Mỗi ao ông thả xen nhiều loại cá giống (trắm, cá rô, cá chép…) nhưng chủ yếu ông tập trung vào 2 loại: cá rô phi đơn tính Trung Quốc và cá chép lai ông mua giống từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản T.Ư 1 với giá 400.000/kg.
Ông Nguyễn Văn Lượng (54 tuổi, người mặc áo xanh) được mệnh danh “Gia Cát Lượng ”, có thâm niên hơn 24 năm trong nghề ương cá giống. Ảnh: Nguyễn Hoàn.
Theo ông Lượng, đây là 2 loại cá giống được nhiều người ưa chuộng, nhu cầu thị trường rất lớn, giá cả, chất lượng thịt tốt, sinh trưởng nhanh. Trọng lượng trung bình đối với cá rô, cá chép khoảng từ 4-4,5kg/con.Gia đinh ông Lượng hiện ương giống theo hình thức nông nghiệp hữu cơ, nuôi theo công nghệ vi sinh – một hình thức khá phổ biến tại nước ngoài nhưng chưa có nhiều tại Việt Nam. Với phương thức chăn nuôi này, người nuôi không dùng thức ăn, các loại thuốc thủy sản, phân bón có nguồn gốc hóa học. Thức ăn chủ yếu là các loại rau, cỏ hữu cơ chế biến từ cây ngô, đậu tương...
Hiện nay, gia đinh ông Lượng chỉ bán cá giống, không nuôi lớn thành cá thịt thương phẩm để xuất khẩu, bởi theo ông “thị trường ngoài Bắc còn hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún không thích hợp với việc xuất khẩu. Trong khi miền Nam thì theo mô hình tập trung, sản xuất lớn nên cá có thể trở thành hàng hóa để tiêu thụ”.
Cá giống nhà ông Lượng luôn tấp nập người đến thu mua với giá từ 700-800 đồng/con, mỗi tháng ông đưa ra thị trường hơn 280.000 con cá giống. Ảnh: Nguyễn Hoàn.
Cũng theo ông Lượng, cá giống tuy dễ nuôi nhưng cũng rất dễ bệnh nếu như người nuôi không quan sát, chăm sóc cẩn thận. “Nếu nhiệt độ nước cao, nắng nóng nhiều, cá giống rất dễ bị bệnh sốt huyết đường ruột. Để phòng tránh cần đảm bảo nguồn nước luôn sạch, diệt khuẩn đều đặn 2 lần/ tháng. Nếu cá nhô nhiều lần lên mặt nước tức là đang thiếu oxy, cần phải sục khí cung cấp oxy cho cá. Với những cá giống bị bệnh thì có thể dùng thuốc tỏi, thuốc có nguồn gốc thảo dược cho ăn để phòng, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh” ông Lượng chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thơm – Trưởng thôn thôn Trung, xã Ngọc Thiện cho biết: “Mô hình của ông Nguyễn Văn Lượng đang là mô hình ươm cá giống lớn nhất của xã, thậm chí toàn huyện. Cá giống được nhiều người từ khắp nơi đến thu mua”
Trưởng thôn Trung cho biết thêm, ông Lượng không những là người làm kinh tế giỏi mà còn đóng góp rất nhiều vào việc ủng hộ, xây dựng đường xá trong thôn, giúp bà con đi lại thuận tiện hơn. Cơ sở ươm cá giống của gia đình ông còn tạo công ăn việc làm cho hơn hơn 10 nhân công trong thôn với mức lương trên 7 triệu/ tháng. “Vì những đóng góp của ông Lượng cho địa phương người dân yêu mến hay gọi ông là "Gia Cát Lượng”, bà Thơm thổ lộ.