DIỆN TÍCH SẢN XUẤT MUỐI GIẢM MẠNH
Xã An Ngãi, huyện Long Điền, là một trong những địa phương có diện tích sản xuất muối giảm mạnh nhất của tỉnh. Ông Phạm Lân Trọng (ở ấp An Thạnh, xã An Ngãi, huyện Long Điền) vừa phải từ bỏ nghề muối vì công việc vất vả mà thu nhập quá bấp bênh. Ông Trọng cho biết: “Trước đây, làm muối là nghề ăn nên làm ra nên dù cực khổ, vẫn cố bám trụ. Tuy nhiên, những năm gần đây giá muối bấp bênh, nhiều năm thua lỗ nên tôi phải ngưng làm muối”.
Ông Huỳnh Văn Thuyết, Giám đốc HTX Muối Chợ Bến, xã An Ngãi, huyện Long Điền cho biết: “Chuyện diêm dân bỏ nghề nay không còn hiếm nữa. Giá muối hiện nay chỉ còn 500-600 đồng/kg, khiến diêm dân thua lỗ. Nhiều gia đình làm muối nay phải chuyển đổi sang các nghề khác. Có người thậm chí còn bán luôn đất ruộng của mình”.
Không chỉ tại xã An Ngãi, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh như xã Long Sơn, (TP.Vũng Tàu) thị trấn Long Điền (huyện Long Điền), diện tích sản xuất muối cũng đã giảm.
Trên phạm vi toàn tỉnh, vụ muối vừa qua, tổng diện tích làm muối là 712ha, sản lượng ước đạt khoảng 53 ngàn tấn. Như vậy, diện tích sản xuất muối trên địa bàn giảm đến gần 100ha so với niên vụ 2017-2018, và giảm gần 130ha so với giai đoạn 2016-2017. Theo nhận định, diện tích muối sẽ tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới. Thực trạng này tuy chưa đi ngược với quy hoạch phát triển chung tại một số địa phương, nhưng lại đặt ra bài toán cấp bách về việc duy trì, phát triển một trong những nghề truyền thống chủ lực của tỉnh.
Thu hoạch muối tại khu phố Long Hiệp, thị trấn Long Điền. Ảnh: QUANG VINH
TÌM GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Bà Nguyễn Lê Yến Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết, ngoài việc bị ảnh hưởng bởi thời tiết, giá cả, ngành sản xuất muối trên địa bàn tỉnh đang gặp một số khó khăn khác, như: Cơ sở hạ tầng phát triển sản xuất, chế biến muối chưa đồng bộ; chính sách hỗ trợ phát triển ngành muối chưa đủ mạnh, chưa tạo được động lực phát triển nghề…” Hiện nay Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh đã xây dựng chi tiết kế hoạch nâng cao hiệu quả nghề sản xuất muối trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch này, Chi cục sẽ tổ chức cho diêm dân trên địa bàn tỉnh tham quan, học tập kinh nghiệm, xúc tiến thương mại tại một số địa phương; nhân rộng hình thức sản xuất muối da rong (kỹ thuật sản xuất muối có chất lượng cao tại xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu); thực hiện chương trình dự báo thời tiết qua SMS cho diêm dân. Ngoài ra, Chi cục sẽ tham mưu các biện pháp hỗ trợ để giúp diêm dân áp dụng máy móc, công nghệ mới vào sản xuất; đồng thời, thu hút các nhà đầu như xây dựng các cơ sở bảo quản, chế biến để giữ gìn, nâng cao uy tín của thương hiệu “Muối Bà Rịa” trên thị trường”, bà Nguyễn Lê Yến Hà cho biết thêm.
Thúc đẩy mở rộng diện tích sản xuất muối trải bạt
Theo quy hoạch, diện tích sản xuất muối của BR-VT vào năm 2025 là 620ha; năm 2030, tỉnh chỉ còn 380ha. Tuy nhiên, diện tích sản xuất muối trải bạt sẽ tăng lên 100ha so với 35ha như hiện nay. Cùng với đó, vào năm 2030, năng suất muối bình quân sẽ tăng lên 80 tấn/vụ so với 75 tấn/vụ như hiện nay. Theo bà Nguyễn Lê Yến Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh, một trong những giải pháp trước mắt để tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho sản phẩm muối của địa phương là thời gian tới sẽ kết nối với các hộ, DN làm nước mắm tại Phú Quốc (Kiên Giang) để mở rộng thị trường tiêu thụ.
Trong khi đó, ngành nông nghiệp cũng đang triển khai các giải pháp kêu gọi DN đầu tư công nghệ, máy móc, trang thiết bị vào sản xuất muối nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng theo tiêu chuẩn công nghiệp, đáp ứng nhu cầu trong nước với giá thành cạnh tranh. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển sản xuất muối công nghiệp; khuyến khích HTX và các hộ diêm dân cùng với các DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh muối liên minh, liên kết trong sản xuất - tiêu thụ.
Bên cạnh đó, Chi cục Quản lý Chất lượng nông, lâm sản và thủy sản kiến nghị, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng nghề muối đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2018. Một số địa phương cần rà soát lại quy hoạch vùng sản xuất muối, kiểm tra, giám sát chặt chẽ để đảm bảo các hành vi chuyển đổi mục đích đất sản xuất muối sang các hình thức sử dụng khác đúng với Pháp luật để ổn định diện tích sản xuất muối. Còn tại xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu, một số diện tích đang sản xuất muối nằm trong quy hoạch xây dựng của Tổ hợp Hóa dầu Long Sơn, cơ quan chức năng cần có biện pháp hỗ trợ diêm dân mất đất sản xuất trong việc chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định cuộc sống.