Gorjan Nikolik – chuyên gia phân tích thuộc Rabobank, cho biết Hội chứng tôm chết sớm (EMS) nhiều khả năng sẽ được “thanh toán” vào năm 2014, và một khi Thái Lan lấy lại vị thế là nhà xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới của mình, “giá tôm chắc chắn sẽ giảm mạnh”.
Nikolik cho biết, giá tôm tại Thái Lan hiện đang dao động ở mức 215-220 bạt/kg (5,2-5,3 euro/ 6,9-7 USD). Cùng thời điểm này năm ngoái, giá tôm trung bình chỉ vào khoảng 140 bạt/kg (3,4 euro/ 4,5 USD), và đôi khi còn giảm xuống mức 120 bạt/kg (2,9 euro/ 3,8 USD).
Trong một báo cáo gần đây của Rabobank, Nikolik dự đoán dịch bệnh EMS ở châu Á sẽ bị xóa sổ trong năm tới. Khi đó, sản lượng tôm sẽ tăng gấp đôi năm 2013, trở về đúng quỹ đạo. Nếu không vượt qua thì chí ít nó cũng trở lại mức sản lượng “bình thường”.
Cung tăng đột biến, cộng thêm đà gia tăng sản xuất từ nhóm các nước sản xuất tôm lớn thứ hai thế giới không bị ảnh hưởng bởi dịch EMS như Ấn Độ, Inđônêxia, Bănglađét và Mianma, sẽ khiến mức giá cao hiện tại giảm mạnh, có khả năng xuống dưới mức 140 bạt/kg (3,4 euro/ 4,5 USD).
Theo Nikolik, năng lực sản xuất của Thái Lan có thể đạt tới 700.000 tấn tôm mỗi năm.
Nikolik cho rằng, “700.000 tấn là mức sản lượng trong tầm tay của Thái Lan, tuy nhiên, vì một vài lý do, có thể do hạn hán, lũ lụt hoặc bệnh dịch, mà họ chưa thể đạt được con số này. Nếu điều này xảy ra đồng thời với việc gia tăng sản xuất của các nước khác, giá chắc chắn sẽ sụt giảm mạnh.”
Nikolik cho rằng “khó có thể dự đoán chính xác thời điểm”, tuy nhiên không chỉ có Thái Lan là đáng trông đợi. Việt Nam và Trung Quốc cũng có nhiều khả năng phục hồi sau nạn dịch này.
“Việc phát hiện ra nguyên nhân gây nên dịch EMS là một loại vị khuẩn thực sự rất quan trọng,” Nikolik cho biết. “Toàn ngành tôm đã biết rõ đối tượng mình đang phải khắc phục, do đó, chúng ta sẽ tìm ra phương án giải quyết.”
Nhiều khả năng hình thành quan hệ liên kết dọc giữa các công ty
Đến nay, nhiều công ty tôm lớn đã nhận thấy giá tôm có khả năng biến động mạnh, do đó, họ đang lên kế hoạch phòng bị trước những biến động giá bất thường trong tương lai.
Theo Nikolik, các công ty cần xây dựng chuỗi liên kết dọc.
Một số công ty đã hoạt động theo cách thức này – ví dụ như Tập đoàn CP, Thai Union và Seafresh – do nhận ra những lợi ích của việc mua lại các công ty xuyên lục địa.
Nikolik cho biết họ muốn “hình thành một công ty với hai thế mạnh quan trọng. Thế mạnh đầu tiên là khả năng tìm nguồn cung ứng ổn định, chủ động trong việc sản xuất tôm và thu lời khi giá tôm tăng cao.”
Một thế mạnh khác là sản xuất ra các sản phẩm giá trị gia tăng gần hơn với nhu cầu của khách hàng tại các nước đang phát triển, do đó, cũng sẽ thu được lợi từ mức giá thấp hơn. Vì vậy, nếu là một tập đoàn thì toàn bộ chuỗi sản phẩm sẽ hoạt động ổn dịnh hơn.
Nikolik cho rằng, thật ra các doanh nghiệp tôm lớn cũng chỉ đơn giản đang theo bước các công ty cá hồi lớn, ví dụ như việc Marine Harvest mua lại Morpol.
Các công ty tôm “khép kín” lớn dự định sẽ tiếp cận gần hơn tới khách hàng. “Tiếp cận gần hơn tới khách hàng không chỉ mang lại nhiều giá trị hơn mà còn đồng nghĩa với việc tạo ra các dòng sản phẩm đa dạng.”
Nikolik cho biết, “Những sản phẩm được bán trực tiếp tại khu vực bán lẻ hoặc dịch vụ thực phẩm này không chỉ có mức giá cao hơn mà còn ít bị biến động hơn.”