Trăm dâu đổ đầu… người nuôi
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, 6 tháng đầu năm 2013 toàn vùng ĐBSCL đã thả nuôi được 4.341ha cá tra, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2012, sản lượng ước đạt 545.718 tấn. Hiện nay giá cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL đang dao động ở mức rất thấp, từ 19.500 đến 20.000 đồng/kg khiến người nuôi bị lỗ từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg.
Trước tình hình khó khăn đang ngày càng bao vây ngành cá tra khu vực ĐBSCL, thời gian qua, nhiều tỉnh, thành vùng ĐBSCL giảm mạnh diện tích nuôi cá tra như: An Giang hiện còn 779 ha, giảm 18%; Vĩnh Long 434 ha giảm 10,6%. Theo Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp, số hộ treo ao trong năm qua cũng lên tới 30-40%.
Còn ở Cần Thơ, theo Sở NN&PTNT, hiện nay trên địa bàn, diện tích thả nuôi cá tra khoảng 810 ha, giảm 11% so với cùng kỳ. Với giá 19.500 đến 20.000 đồng/kg, người nuôi cá lỗ từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg. Nhiều nơi người dân đã "treo ao” vì thua lỗ nặng. Thế nhưng nghịch lý ở chỗ người nông dân vất vả trong vòng 7 tháng trời mới được một lứa cá, thu hoạch cũng chỉ mong có lời từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg, trong khi các đối tượng thu mua cá cho doanh nghiệp lại ép người dân phải trả chi phí vận chuyển từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg, trong khi quãng đường vận chuyển chỉ cách có 1 đến 2km. Ngoài ra còn xuất hiện tình trạng ngay cả các đối tượng là người của nhà máy xuống thẩm định chất lượng và mua cá của nông dân nếu nông dân không "bôi trơn” cũng sẽ bị gây khó dễ trong khâu thu mua. Người nông dân gắn cả đời mình với nông sản, nhưng họ lại đang dần mất đi cái quyền quyết định những sản phẩm mà họ đang làm ra. Hệ quả nhãn tiền đã và đang xảy ra là việc treo ao, bỏ ruộng lên thành phố làm thuê.
Còn ở An Giang do không chịu được mức thua lỗ kéo dài, thời gian qua có gần 80% diện tích nuôi cá tra đã "treo ao” bỏ nghề hoặc chuyển sang nuôi các loại thủy sản khác. Ông Nguyễn Hữu Nguyên - Chủ nhiệm HTX Thủy sản Châu Phú, An Giang chia sẻ, sắp tới HTX chuẩn bị thu hoạch khoảng 10 ha cá tra với sản lượng dự kiến khoảng 5.000 tấn. Nếu doanh nghiệp mua với giá 20.000 đồng/kg thì các xã viên phải ngậm đắng chịu lỗ từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg”. Tuy nhiên điều đó cũng không đáng lo bằng việc hiện nay gần đến lúc thu hoạch mà doanh nghiệp và thương lái không thấy đâu.
Cung vượt cầu
Ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Thới An, quận Ô Môn TP. Cần Thơ chia sẻ, thời gian qua do tình trạng khó khăn chung của nền kinh tế, cung đang vượt cầu, doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng với vùng nguyên liệu sẵn có nên nguồn cung của nông dân bị ùn ứ lại.
"Thời gian qua, ngành nông nghiệp TP. Cần Thơ khuyến cáo những người nuôi cá tra phải theo hợp đồng cụ thể, nhưng doanh nghiệp nhà máy thì lại không thể ký hợp đồng với cá nhân vì không có cơ sở pháp lý”. Ông Nguyễn Minh Thạnh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Cần Thơ cho biết.
Trong khi trong nước nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn phải thu hẹp quy mô sản xuất, thì cá tra xuất khẩu của Việt Nam lại đang bị một số thị trường áp đặt các rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật như Hoa Kỳ, Ucraine công bố ngừng nhập khẩu cá tra của Việt Nam.
Những ngày cuối tháng 7-2013, trong chuyến công tác về các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, Thống đốc NHNN Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình sau khi lắng nghe những đề đạt của người nuôi cá tra đã nhận định: "Để tháo gỡ khó khăn cho nông dân cần giải quyết những tồn tại vừa qua. Ngân hàng sẽ xem xét tình hình, cân đối số liệu cụ thể và có thể có giải pháp khoanh nợ, giảm lãi hoặc miễn lãi.
Vất vả là vậy, nhưng người nông dân vẫn ngậm ngùi chịu lỗ 4000đồng/kg. Ảnh: Quốc Trung
Làm gì để cá tra phát triển bền vững?
Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, nhìn chung ngành cá tra Việt Nam có sự tăng trưởng rất nhanh. Nếu như năm 2003 tổng giá trị xuất khẩu của cá tra của nước ta mới chỉ có 82 triệu USD thì đến năm 2012 tổng giá trị được nâng lên 1.744 triệu USD (tăng hơn 21 lần). Mức tăng trưởng nhanh được duy trì ổn định từ năm 2003 đến năm 2008, nhưng đến năm 2009 trị giá giảm xuống còn 1.343 triệu USD; đến năm 2011 tăng lên 1.806 triệu USD nhưng năm 2012 lại giảm xuống còn 1.744 triệu USD.
Theo ông Nam có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng không đều này. Chẳng hạn như chúng ta chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm tốt và nhất quán, bị nhiều thông tin xấu tại các thị trường chính; giá nguyên liệu và giá xuất khẩu biến động thất thường và có xu hướng giảm, tác động mạnh đến yếu tố bền vững của sự phát triển ngành; sản xuất nguyên liệu còn tự phát, thiếu quy hoạch, trong khi chuỗi liên kết giữa các khâu không bền vững, chưa thiết lập được cơ chế chia sẻ lợi ích – rủi ro trên nguyên tắc hợp đồng và lấy yếu tố "cầu” của thị trường làm chuẩn mực. Bên cạnh đó, chưa có cơ chế điều tiết giữa sản xuất và tiêu thụ, gây mất ổn định về khả năng cung cấp và lợi nhuận. Ngoài nhưng nguyên nhân trên, ông Lê Xuân Thịnh (Trung tâm sản xuất sạch hơn Việt Nam) cho rằng sự tăng trưởng không ổn định còn do các các nhà xuất khẩu cạnh tranh về giá với nhau, liên kết yếu giữa các nhà sản xuất và nhà nhập khẩu, thiếu thống tin và kiến thức về sản xuất bền vững.
Khảo sát của những chuyên gia về các nhà bán lẻ của thị trường lớn như châu Âu, châu Mỹ cho thấy hầu hết các ý kiến đều cho rằng cần phải xây dựng chứng nhận độc lập cho cá tra để xây dựng niềm tin cho khách hàng, có tiêu chuẩn cho chuỗi cung ứng nhằm đảm bảo sản phẩm chất lượng, an toàn. Còn theo Ts.Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), để phát triển bền vững cho ngành cá tra nước nhà cần hình thành chuỗi liên kết giữa người nuôi cá với nhà máy sản xuất thức ăn, nhà máy chế biến và xuất khẩu.
Ở một phương diện khác, bà Nguyễn Thị Hồng Minh - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản cho rằng, nên xây dựng một thương hiệu chung, áp dụng một tiêu chuẩn thống nhất cho cá tra và xây dựng cơ chế quản lý giá để hướng các doanh nghiệp xuất khẩu vào một khung giá chung, tránh tình trạng bán phá giá để kiếm lời trước mắt của một số doanh nghiệp. "Quan trọng hơn cả vẫn là quyết tâm đổi mới về quản lý Nhà nước, tạo điều kiện cho ngành sản xuất cá tra gia tăng sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế để phát triển bền vững”- bà Minh nhấn mạnh.
Vừa qua, tại TP.Hồ Chí Minh, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Quỹ Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam và Áo vừa phối hợp tổ chức Lễ khởi động Dự án xây dựng chuỗi cá tra bền vững tại Việt Nam. Dự án có tổng kinh phí khoảng 2,37 triệu euro (tương đương hơn 64 tỷ đồng) do Liên minh Châu Âu (EU) và một số tổ chức tài trợ. Trong thời gian từ nay đến năm 2017, Dự án sẽ hỗ trợ, tư vấn về chính sách, công nghệ, xúc tiến thương mại, xây dựng mối liên kết, thương hiệu, chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ bền vững cho khoảng 200 công ty, nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, 1.000 trại sản xuất giống, 750 cơ sở, đơn vị sản xuất nhỏ và độc lập, 150 cơ sở nuôi cá, 100 doanh nghiệp chế biến cá tra, basa lớn tại Việt Nam.