Trước đây, hình thức nuôi phổ biến nhất vẫn là kiểu nuôi truyền thống trong bùn đất có rễ cây tạp hay thực vật thủy sinh che mát cho lươn. Tuy nhiên, với kiểu nuôi này đã bộc lộ những mặt hạn chế nhất định, do lươn chui rúc trong bùn nên khó quản lý về số lượng nuôi, thức ăn, tốc độ tăng trưởng, dịch bệnh,... Vì vậy, để giúp cho người nuôi giảm được giá thành sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, chúng tôi xây dựng ra “Các giải pháp cải tiến kỹ thuật để nâng cao hiệu quả nuôi lươn thương phẩm”
Nội dung của các giải pháp cải tiến kỹ thuật:
- Cải tiến cách xây dựng, thiết kế bể nuôi.
- Cải tiến khâu chăm sóc, nuôi dưỡng.
- Cải tiến các biện pháp chống nóng hữu hiệu cho lươn trong mùa nắng nóng.
1. Cải tiến cách xây dựng, thiết kế bể nuôi
- Vị trí xây dựng bể nuôi lươn phải yên tĩnh, ít người qua lại, có bóng mát; nơi có nguồn nước phong phú, thuận tiện, chất lượng nước tốt.
- Diện tích một bể nuôi từ 10 – 20 m2 là thích hợp, độ sâu 0,7 – 1 m. Bể lót bạt hoặc bể xi-măng đều được, chỉ cần nắm vững nguyên tắc không cho lươn bò ra ngoài, dễ dàng thu hoạch, thuận tiện trong việc lấy nước và tháo nước.
- Để tránh sự cạnh tranh thức ăn và sự phân đàn quá lớn, trong 1 bể diện tích 10 m2 , nên bố trí từ 3 – 4 hệ thống sạp tre nhỏ thay vì 1 hệ thống sạp tre lớn.
- Trong quá trình thực hiện, với một bể nuôi lươn diện tích 20 m2 được ngăn ra thành nhiều bể nhỏ hoặc xây hệ thống bể với nhiều bể khác nhau để thuận lợi cho việc phân cỡ và chăm sóc, tránh tình trạng phân đàn quá lớn.
Nhiều hệ thống sạp tre nhỏ được bố trí trong một bể nuôi lót bạt. Ảnh Thành Nguyên
2. Cải tiến khâu chăm sóc, nuôi dưỡng
Chọn giống
- Chọn nguồn lươn giống sinh sản nhân tạo có kích cỡ đồng đều, màu sắc tươi sáng, vận động linh hoạt; không xây xát, thương tổn, mất nhớt. Những con lươn có màu nhợt nhạt, có màu vàng xanh hoặc xám tro thì yếu và khó nuôi, tăng trưởng chậm.
- Kích cỡ giống từ 50 – 60 con/kg.
- Mật độ thả nuôi dao động từ 50 – 80 con/m2, thích hợp nhất là 60 con/m2.
Chăm sóc
- Thức ăn cho lươn là cá tạp xay nhuyễn kết hợp với bột bắp được phối trộn theo tỷ lệ 80:20 (bột bắp phải được hấp chín).
- Bổ sung tỏi đã xay nhuyễn vào khẩu phần ăn để hạn chế các bệnh đường ruột.
- Xây dựng bể nuôi cá trê để nhằm tận dụng nguồn thức ăn dư thừa của lươn. Nước trong bể nuôi lươn thải ra sẽ được chuyển vào bể nuôi cá trê, cá trê sẽ dùng thức ăn thừa của lươn để làm thức ăn. Điều này không những hạn chế được việc lãng phí thức ăn dư thừa mà còn tránh được tình trạng ô nhiễm môi trường do nước nuôi lươn thải ra.
- Thường xuyên phân cỡ lươn để tránh sự phân đàn. Chúng ta dùng ống nước bằng nhựa PVC đường kính 90 cm cắt dọc theo chiều dài của ống, cho thức ăn vào rồi bịt kín 2 đầu ống. Những con lươn nhỏ sẽ vào ăn thì ta bắt để bỏ vào bể khác. Cứ 3 ngày ta cắt rộng thêm để bắt những con lớn hơn. Ưu điểm của phương pháp này là hạn chế việc lươn bị stress khi phân cỡ lươn.
3. Cải tiến các biện pháp chống nóng hữu hiệu cho lươn trong mùa nắng nóng
- Mực nước trung bình trong bể nuôi từ 20 – 30 cm, tăng lên 40 cm khi lươn lớn hơn.
- Thay nước 1 lần/ngày sau khi cho lươn ăn xong, lượng nước thay tối đa 70 – 80% lượng nước nuôi.
- Xây dựng mái che và rào lưới xung quanh bể nuôi để cho bể chống nóng trong mùa nắng và ngăn ngừa địch hại xâm nhập.
Việc áp dụng các giải pháp cải tiến kỹ thuật này sẽ giúp cho người nuôi thuận tiện trong việc nuôi, nâng cao năng suất, nâng cao tỷ lệ sống của lươn (dao động từ 75 – 95%), lươn nuôi 6 tháng đạt từ 230 – 300 g/con, năng suất từ 11,25 – 12,88 kg/m2.