Giá tôm trong nước có nơi giảm đến 30%
Giá tôm chân trắng tại đầm quý I năm nay giảm 15% so quý IV/2017 và giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 4, giá tôm thẻ chân trắng cỡ 60 - 70 con/kg tháng 4 giảm 10.000 - 20.000 đồng/kg so với tháng 3 xuống 110.000 - 120.000 đồng/kg. Tôm cỡ 100 - 110 con/kg giảm 15.000 - 20.000 đồng/kg xuống 85.000 - 90.000 đồng/kg
Từ đầu tháng 5 đến nay, giá tôm chân trắng và tôm sú tại tỉnh Sóc Trăng cũng như trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang giảm dần và hiện ở mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua. Cụ thể, thương lái ở Sóc Trăng thu mua tôm thẻ loại 100 con/kg chỉ còn khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg, giảm từ 20.000- 30.000 đồng/kg so với đầu năm 2018. Tôm thẻ loại 60 con/kg giá cũng rất thấp, ở mức gần 100.000 đồng/kg.
Sở Công thương Cà Mau cho biết, đầu tháng 5, giá tôm chân trắng tiếp tục giảm xuống mức thấp. Cụ thể, tôm loại 100 con/kg chỉ còn giá khoảng 80.000 đồng/kg, giảm 15% so tháng 4; còn tôm loại 70 - 90 con/kg giảm nhiều hơn nữa.
Giá tôm giảm được cho là do nguồn cung trên thị trường khá cao. Sản lượng tôm nước lợ cả nước 4 tháng đầu năm 2018 ước đạt 119,8 nghìn tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng tôm sú ước đạt 56,9 nghìn tấn, sản lượng tôm chân trắng ước đạt 62,9 nghìn tấn. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long sản lượng tôm sú ước 46,7 đạt nghìn tấn, tăng 1%, sản lượng tôm chân trắng ước đạt 51,5 nghìn tấn, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2017.
Áp lực từ nguồn cung tôm thế giới tăng
Theo dự báo của nhóm nghiên cứu về thị trường tôm tại Hội nghị Thị trường Thủy sản Toàn cầu (GSMC), sản lượng tôm của các nước sản xuất chính trên thế giới sẽ phục hồi với sản lượng có thể vượt qua 3,5 triệu tấn năm 2018. Tổng sản lượng này được đánh giá là vượt lên mức cao nhất trong 10 năm qua (2008-2018).
Sản lượng tôm nuôi thế giới tăng là do sản lượng của nhiều nguồn cung lớn như: Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia dự báo tăng trong năm 2018.
GSMC ước tính, sản lượng tôm của Ấn Độ có thể đạt 697.000 tấn năm 2017/2018. Sản lượng tôm của Ecuador dự kiến tăng từ 469.000 tấn năm 2017 lên 531.000 tấn năm 2018. Nhóm nghiên cứu ước tính sản lượng ở Trung Quốc “chạm đáy” năm 2017 với 525.000 tấn và dự kiến sản lượng đạt 625.000 tấn năm 2018. Indonesia cũng dự kiến tăng sản lượng tôm trong năm 2018 lên 335.000 tấn.
Trong bối cảnh giá tôm nguyên liệu giảm sâu, các nhà máy chế biến thủy sản của Việt Nam cũng không dám mua vào vì các nhà NK giảm mua. Giá XK đã giảm tới 20% so với cuối năm ngoái nhưng vẫn khó bán vào thị trường Mỹ vì người mua nghĩ giá sẽ giảm nữa. Hơn nữa, trên thị trường Mỹ, các nhà XK tôm Việt Nam cũng phải cạnh tranh mạnh với tôm Ấn Độ bán giảm giá. Giá trung bình NK tôm Ấn Độ vào Mỹ đạt 9,9 USD/kg trong quý I/2018 trong khi giá trung bình NK tôm Việt Nam vào Mỹ đạt 11,4 USD/kg. Giá trung bình NK tôm Ấn Độ vào Mỹ trong năm 2017 đạt 10,1 USD/kg.
Trong khi, ở các thị trường lớn vẫn còn hàng tôm tồn kho thì lại chưa tới thời điểm tiêu thụ mạnh. Trong bối cảnh giá tôm giảm, các nhà NK thận trọng chờ giá tôm tiếp tục hạ nữa mới mua vào hoặc yêu cầu bên cung cấp giảm giá 10-20%.
Giá giảm – Tình trạng chung của các nước sản xuất-XK tôm
Cán cân cung cầu chao nghiêng bên cung khiến giá tôm thế giới giảm sụt mạnh. Giá tôm tại Ấn Độ gần đây giảm dưới giá thành. Người nuôi Ấn Độ cũng lao đao. Đồng loạt giá tôm của các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Ecuador, Indonesia đều giảm do cung dư và nhu cầu NK từ các thị trường chính sụt giảm trong bối cảnh tồn kho còn cao.
Giá tôm Thái Lan và Ấn Độ đều giảm mạnh trong suốt tháng 3 và đầu tháng 4. Giá tại đầm tôm Ấn Độ giảm xuống 270-280 rupee/kg đối với tôm chân trắng (4,04-4,20 USD/kg) cỡ 50 con, còn đầu còn vỏ (HOSO). Giá giảm xuống mức thấp hơn chi phí sản xuất. Tại Việt Nam, giá tại đầm tôm chân trắng trong quý I/2018 giảm 15% so với quý cuối cùng của năm 2017 và giảm 10% so với cùng kỳ năm 2017.
Tại Thái Lan, giá trung bình hàng tuần đối với tôm chân trắng 80 con giảm xuống 135 bạt/kg (3,71 USD/kg). Giá tại đầm tôm Indonesia đạt 4,89-5,04 USD/kg đối với tôm chân trắng HOSO cỡ 50 con. Giá tại đầm tôm Ecuador đạt 5,40-5,50 USD/kg đối với cỡ 30-40 con, 5,15-5,20 USD/kg đối với cỡ 40-50 con, 5,20 USD/kg đối với cỡ 50-60 con, 4,50-4,60 USD/kg đối với cỡ 60-70 con, 4 USD/kg đối với cỡ 70-80 con và 3,60 USD/kg đối với cỡ 80-100 con.
Tỷ giá USD gần đây tăng cũng góp thêm tác nhân cho xu hướng đi xuống của giá tôm thế giới. USD tăng càng làm nhu cầu NK của các nước tiêu thụ tôm chính giảm.
Trong bối cảnh giá tôm giảm, các nước sản xuất tôm cũng nỗ lực tìm giải pháp tháo gỡ cho người nuôi. Tại Ấn Độ, các công ty thu mua ở bang Andhra Pradesh đã thống nhất một mức giá mua tối thiểu đối với tôm cỡ 100 con/kg để hỗ trợ người nuôi đang gặp khó khăn để họ không bỏ ao. Ngày 12/4, Hiệp hội người nuôi tôm bang Andhra Pradesh đã họp với các nhà XK và cuối cùng thống nhất tăng giá họ phải trả cho tôm cỡ 100 con lên 30 rupee để bảo vệ người nuôi khỏi bị lỗ. Mức giá tối thiểu được thống nhất hôm 12/4 như sau: 380 rupee/kg đối với cỡ 27-30 count; 300 rupee với cỡ 34-40; 280 rupee với cỡ 43-45; 260 rupee với cỡ 46-50; 250 rupee với cỡ 53-60; 240 rupee với cỡ 63-70; 220 rupee với cỡ 73-80; 210 rupee với cỡ 83-90; và 200 rupee với cỡ 93-100. Giá đã tăng gần 30 rupee so với đầu tuần thứ hai của tháng 4.
Tại Thái Lan, công ty thức ăn chăn nuôi của Thái Lan, Charoen Pokphand Foods (CP Foods) đang cố gắng giảm chi phí sản xuất cho người nuôi tôm trong bối cảnh có thể gọi là “khủng hoảng giá tôm”. Công ty đã giảm giá tôm giống 0,19 bạt xuống 0,16 bạt trong khi bao thức ăn nuôi tôm 25 kg sẽ giảm giá xuống 25 bạt (0,79 USD). Các hình thức giảm giá này sẽ được áp dụng từ 4/5 đến 30/6. CP Foods hiểu được khó khăn của người nuôi và cam kết hỗ trợ họ giảm chi phí nuôi tôm bằng cách giảm chi phí nguyên liệu đầu vào sản xuất, nhằm hỗ trợ người nuôi tiếp tục nuôi tôm và giúp ngành tôm Thái Lan dần vượt qua khủng hoảng. Các giải pháp trên thế giới cũng có thể là bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
Giải pháp nào cho người nuôi và nhà Xuất khẩu tôm
Giá tôm nguyên liệu giảm là xu hướng chung của thế giới, không riêng gì Việt Nam. Người nuôi nên bình tĩnh, theo dõi tình hình và theo hướng dẫn của cơ quan chức năng. Trước tình hình này, Hiệp hội tôm Mỹ Thanh Sóc Trăng (MTSA) đã động viên người nuôi bình tĩnh thả nuôi mật độ thưa hơn dự kiến để giảm thiểu rủi ro, thu hoạch tôm cỡ lớn hơn. Đây được cho là giải pháp dung hòa và đúng đắn tại thời điểm này bởi nếu dừng việc thả nuôi thì chi phí cải tạo ao đã thực hiện bị lãng phí và duy trì sinh kế. Song song đó MTSA còn có những kiến nghị về giải pháp tới Chính phủ và ngân hàng để người nuôi được tháo gỡ phần nào về vốn cho phát triển nuôi tôm đúng hường đã đề ra của Chính phủ và Bộ NN&PTNT.
Các DN cần tập trung vào chất lượng để bán tôm chất lượng cao với giá cao, đồng thời tăng sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng mà các nước XK tôm lớn như Ấn Độ chưa có thế mạnh để xuất bán vào phân khúc các thị trường cao cấp. Hiện tôm có tiêu chuẩn ASC (Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản) đang có nhu cầu cao ở thị trường EU và có giá cao hơn hàng thường. Đây cũng là mặt hàng mà nhiều DN Việt Nam đã triển khai trong các năm qua. Vì vậy, DN và người nuôi Việt Nam cần giữ vững tiêu chuẩn này.
Theo nhiều chuyên gia ngành tôm trên thế giới, sau khi giá tôm giảm mạnh, người nuôi tại Thái Lan, Ấn Độ sẽ giảm thả nuôi, nguồn cung dự báo giảm. Sang quý III, các nhà máy trong nước tăng cường mua nguyên liệu cùng với nhu cầu “ấm lên” từ các thị trường NK, giá tôm sẽ bắt đầu tăng lên. Nhu cầu tiêu thụ tôm của Mỹ được dự báo vẫn tốt với niềm tin tiêu dùng cao và triển vọng kinh tế tích cực. NK tôm của các thị trường NK chính cũng được dự báo sẽ tăng trong cuối quý II hoặc đầu quý III năm nay.
Tuy nhiên để vượt qua được giai đoạn khó khăn khi giá tôm giảm này cần phải có sự đồng lòng của cả hệ thống như giải pháp thả nuôi giảm giá thành (có khống chế sự tăng giá không rõ ràng về con tôm giống, thức ăn; được hướng dẫn kỹ thuật nuôi tốt hơn…). Và về lâu dài bền vững là giải pháp xây dựng thương hiệu con tôm Việt (truy xuất nguồn gốc, tôm sạch, ao nuôi có chứng nhận đạt chuẩn nuôi…).