Giải pháp về vận chuyển đã giúp giảm giá thành, tối ưu hóa sản phẩm, mở ra hướng đi mới trong chiến lược quy hoạch phát triển ngành tôm tại các địa phương.
Mỗi năm Công ty Cổ phần Việt Úc (tỉnh Bạc Liêu) cung ứng cho thị trường hơn 50 tỷ con tôm giống chất lượng cao. Để vận chuyển số lượng tôm giống khổng lồ này đến với người nuôi trên cả nước, đơn vị đã đưa ra các giải pháp. Giải pháp đầu tư khu sản xuất tôm giống trải đều tại các vùng nuôi đã giúp rút ngắn thời gian vận chuyển từ 5 - 6 lần so với trước đây. Quan trọng hơn, chất lượng tôm giống khi đến với người nuôi sẽ tốt hơn.
Anh Mai Văn Chánh, xã Ngọc Đông, Huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng cho biết: "Các bầy tôm khi vận chuyển tới, mình lật lên mà thấy nước trong bọc đóng tôm còn trong veo, con tôm bơi lội linh hoạt khỏe mạnh thì chắc chắn là tôm mình khỏe và đạt hơn."
Với tôm thương phẩm, khâu vận chuyển càng ngắn càng tốt. Vì thế, doanh nghiệp này đã đầu tư ao nuôi nằm sát nhà máy chế biến, nhờ đó có thể rút ngắn thời gian vận chuyển từ 1 - 2 giờ xuống còn 10 - 15 phút. Nguồn nguyên liệu tươi giúp nhà máy có thể chuyển từ chế biến thô sang sản phẩm tinh chế có giá trị và tính cạnh tranh xuất khẩu cao. Việc đầu tư cơ sở sản xuất gần là giải pháp căn cơ để có thể tiết kiệm tối đa thời gian, chi phí sản xuất, vận chuyển tôm.
Hiện giá thành sản xuất tôm của Việt Nam đang cao hơn các đối thủ cạnh tranh như: Thái Lan, Ấn Độ từ 5 - 10%. Trong đó, khâu vận chuyển là một trong những yếu tố trực tiếp đẩy giá thành lên cao. Không chỉ làm tăng giá thành, việc vận chuyển lâu, không an toàn còn làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.