Ngày 5-9, trong buổi họp báo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Sức mua thị trường thấp và chỉ số tồn kho vẫn đang ở mức cao, doanh nghiệp có khả năng hấp thụ vốn suy giảm. Kết quả là chỉ số phát triển công nghiệp trong tám tháng chỉ tăng 4,7% bằng gần 65% tốc độ tăng cùng kỳ năm 2011. Đây là một dấu hiệu bê trễ rõ ràng của hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hiện tồn kho cao nhất ở một số ngành công nghiệp như chế biến, bảo quản thủy sản, các sản phẩm thủy sản tăng 39,4%; sản phẩm thuốc lá tăng 74,4%; sản phẩm từ plastic tăng 61,5%; sản xuất xi-măng tăng 49,2%; sắt, thép, gang tăng 20,8%; linh kiện điện tử tăng 53,8%; thiết bị truyền thông tăng 98,5%; xe có động cơ tăng 9,4%... Một trong những ngành có lượng hàng tồn kho lớn là thép xây dựng. Có tháng, giá bán thép của Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) và chiết khấu giảm thêm từ 300 đến 900 đồng/kg, thậm chí đến 1.200 đồng/kg nhưng vẫn rất khó tiêu thụ.
Ở quốc gia nào cũng vậy, chỉ số tồn kho tăng là một trong những “chứng chỉ” thể hiện nền kinh tế bế tắc “đầu ra”. Sản xuất công nghiệp được coi là “xương sống” của nền kinh tế. Vậy mà từ đầu năm đến nay, sản xuất công nghiệp liên tục “tăng trưởng” ở chỉ số tồn kho. Ở thời điểm đầu quý 3, toàn ngành công nghiệp chế biến và chế tạo có chỉ số tồn kho lên đến gần 40%, tăng hơn 20% so cùng kỳ năm ngoái.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội cho biết: “Doanh thu các siêu thị đã giảm 15-20% so với trước. Sự thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng ở ngay những mặt hàng thiết yếu nhất với đời sống hằng ngày”. Tìm hiểu từng ngành hàng thấy rõ hiện trạng tồn kho với những con số tự nó đã là “sự báo động khẩn cấp”. Sản xuất phân bón và hợp chất ni-tơ hiện đứng đầu chỉ số tồn kho, tăng hơn 100% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện trạng sa thải công nhân hoặc cho nghỉ luân phiên đang là “phổ cập” ở nhiều doanh nghiệp có chỉ số tồn kho tăng cao. Người lao động trực tiếp tạo ra sản phẩm hàng hóa góp phần phát triển kinh tế, thế mà một bộ phận không nhỏ nay là “nạn nhân” của tình trạng tồn kho tăng cao. Thiếu việc làm, thu nhập giảm sút là hệ lụy đến từ hàng hóa ứ đọng chồng chất trong kho. Trong khi đó, như là một nghịch lý, hàng hóa trên thị trường lại đang có chiều hướng tăng giá...
Tồn kho lớn cũng là biểu hiện làm chậm vòng quay tiền tệ, sinh ra khát vốn giả tạo, doanh nghiệp thực chất thiếu vốn cho sản xuất, kinh doanh nhưng khả năng hấp thụ vốn lại kém. Mất thanh khoản và gia tăng nợ xấu là hai vấn đề song hành và tất yếu dẫn đến sản xuất đình trệ. Ở góc độ kinh tế vĩ mô, sự trì trệ trong sản xuất do hàng tồn kho ngày càng nhiều sẽ tác động tiêu cực tới tăng trưởng GDP và đầu tư nước ngoài.
Mới đây, tại Hội nghị góp ý Đề án tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: “Tình trạng hàng tồn kho của các doanh nghiệp là một trong những vấn đề được Chính phủ, xã hội hết sức quan tâm, nếu không giải quyết sớm sẽ khó có thể hoàn thành được kế hoạch năm 2012, cũng như chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ năm 2013 và các năm sau. Bộ Công thương đang kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành tập trung đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho doanh nghiệp sản xuất, trong đó có cả giải pháp tiêu thụ trong nước và thúc đẩy xuất khẩu”.
Rõ ràng nếu không kịp thời có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết hàng tồn kho thì tình trạng này sẽ tạo ra vòng luẩn quẩn đưa nhiều doanh nghiệp vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, có thể phải giải thể và phá sản; cùng đó trực tiếp khiến hàng triệu người lao động lao đao. TS Vũ Đình Ánh cho rằng: “Mấu chốt của nợ xấu là do hàng tồn kho khiến doanh nghiệp không trả được vay gốc và nợ lãi, dẫn đến chuyện không muốn đi vay nữa”.
Về phía doanh nghiệp cũng cần nhìn nhận lại hướng kinh doanh của mình vì sao chưa hiệu quả. Sản phẩm không bán được có phải do sản phẩm nước ngoài cạnh tranh hay do chất lượng, cho nên chưa chinh phục được người tiêu dùng.
Hiệp hội Ngân hàng đã kêu gọi các ngân hàng cùng đồng hành với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn này. Ngân hàng Nhà nước cần có lộ trình hạ dần lãi suất xuống dưới 10%. Thực tế lãi suất cho vay của Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực từ 3 đến 4%, cho nên doanh nghiệp nước ta khó cạnh tranh các doanh nghiệp khu vực và không có thực lực đầu tư dài hạn. Sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp cũng chính là sự phát triển của ngân hàng.
Tại Hội thảo Ngân hàng và doanh nghiệp khơi thông nguồn vốn diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh mới đây, một số chuyên gia, doanh nghiệp nhận định: Những tháng còn lại của năm, tình hình vẫn còn tiếp tục khó khăn. Trong lúc này, những doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn đã bắt đầu quan tâm hơn đến chuyện tồn tại hay chấp nhận mất mát để kiến thiết một chiến lược phát triển tốt hơn trong tương lai, hơn là giữ khư khư giá trị tồn kho ảo mà không có khả năng xử lý dứt điểm. Hai nhóm giải pháp chính mà nhiều doanh nghiệp đang thực hiện, một là tiết giảm sản xuất để không làm trầm trọng thêm tình hình; hai là tìm mọi cách thúc đẩy bán hàng kể cả giảm giá.
Tuy nhiên muốn giảm giá bán thì phải có sự hỗ trợ về chính sách của Nhà nước như: Hệ thống ngân hàng phải giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng, ngành tài chính miễn giảm một số nghĩa vụ thu nộp ngân sách như miễn, giảm các loại thuế, phí... Cùng đó Bộ Tài chính và Bộ Công thương cần điều hành giá điện, nước, xăng dầu... trên cơ sở cân nhắc, tính toán để giảm gánh nặng tăng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có điều kiện giảm hay ít nhất là không tăng giá thành. Đó chính là bài toán liên quan việc cải thiện sức mua qua giảm giá để từng bước giải phóng hàng tồn kho, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.