Tương tự, các mặt hàng nông sản khác cũng đồng loạt rớt giá như: Sắn từ 2.000 đồng giảm xuống còn 1 nửa. Giá lợn hơi giảm tới 50% chỉ còn 35.000 đồng/kg. Thậm chí, giá lúa từ 7.000 đồng/kg giảm xuống còn 5.200 - 5.300 đồng/kg, giá lúa tươi mua tại ruộng chỉ 3.900 - 4.100 đồng/kg. Theo tính toán, mức giá này chưa bảo đảm có lãi 30% cho người trồng lúa trong khi giá lúa có thể tiếp tục giảm khi vào chính vụ.
Tính đến hết tháng 6, trong số 7 mặt hàng xuất khẩu chính, tất cả đều có giá thấp hơn (trừ hạt tiêu). Trong đó, cao su là mặt hàng có mức giảm nhiều nhất (30%), tiếp đó là sắn và các sản phẩm của sắn (17,6%). Theo Bộ NN&PTNT, nếu sản lượng tăng nhưng giá xuống mạnh như hiện nay thì mọi nỗ lực của bà con nông dân đều bị triệt tiêu, nhất là tại những vùng sản xuất hàng hóa.
Không chỉ đối mặt với việc giá giảm sâu, nông dân còn khốn đốn với tình trạng tiêu thụ sản phẩm do mình làm ra. Hiện, các thị trường tiêu thụ thủy sản, nhất là tôm và cá tra đều giảm sút, khiến các nhà nhập khẩu ép giá (chưa kể khâu trung gian thương lái). Trong lúc đó, các doanh nghiệp thủy sản trong nước buộc phải bán “tháo” để thu hồi một phần vốn. Điều này dẫn tới giá thu mua nguyên liệu giảm, gây thiệt hại lớn cho người nông dân.
Tương tự, người chăn nuôi cũng rơi vào tình trạng khốn đốn. Hiện, giá lợn hơi đã giảm còn 35.000 đồng/kg, vẫn khó bán. Xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội chỉ còn 1/3 tổng đàn so với năm trước.
Trước tình hình nông sản nói chung, đặc biệt là thủy sản và chăn nuôi gặp khó, Bộ NN&PTNT đang trình Thủ tướng Chính phủ cung cấp tín dụng để gia hạn nợ cho các doanh nghiệp; phối hợp tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy phát triển xuất khẩu. Mặt khác, các địa phương sẽ tăng cường kiểm soát chất lượng về vật tư, con giống, quá trình nuôi để bảo đảm chất lượng và thị trường đầu ra.
Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề cấp bách nhất hiện nay của ngành Nông nghiệp là xử lý thị trường, tìm đầu ra, thu mua sản phẩm và đẩy mạnh xuất khẩu. Trong đó, Bộ NN&PTNT xác định tập trung vào công tác phân loại sản phẩm, điều chỉnh cơ cấu sản xuất, thời vụ, nâng cao chất lượng để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Cụ thể vụ Thu - Đông, vụ mùa tới đây sẽ hạn chế tối đa diện tích xuống giống lúa IR 50404 để thay thế các giống gạo hạt dài, lúa thơm, có chất lượng ngon, dễ bán. Đồng thời, thúc đẩy tiêu thụ nông sản nói chung. Về phía mình, người nông dân, doanh nghiệp cần đẩy mạnh áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt để có sản phẩm an toàn, tin cậy.