Hiện nay, yêu cầu về an toàn dịch bệnh, giám sát dịch bệnh đối với từng thị trường và loại sản phẩm thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam là khác nhau. Về cơ bản, vùng sản xuất an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE (Tổ chức Thú y Thế giới) sẽ được hầu hết các thị trường có yêu cầu về an toàn dịch bệnh chấp nhận.
Thực tế, nhiều loại sản phẩm thủy sản của Việt Nam để được xuất khẩu sang các thị trường phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe. Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, với thị trường Úc, với tôm chưa qua nấu chín, yêu cầu tất cả tôm và các sản phẩm của tôm phải có nguồn gốc từ quốc gia, vùng lãnh thổ được cơ quan có thẩm quyền của Úc công nhận sạch một số loại bệnh hoặc tôm phải được bỏ đầu, bỏ vỏ và tẩm ướp, chế biến theo các quy trình đã được cơ quan có thẩm quyền của Úc chấp nhận để sử dụng làm thực phẩm cho người. Đồng thời, được chế biến, kiểm tra và phân loại tại các nhà máy đã được kiểm soát và không có dấu hiệu lâm sàng của bệnh truyền nhiễm.
Với thị trường Hàn Quốc, từ ngày 1/4/2018, quốc gia này yêu cầu, tất cả các loại thủy sản nuôi và hoang dã, bao gồm cả tôm đông lạnh và ướp lạnh ngoại trừ tôm bóc vỏ, bỏ đầu; hàu, nhuyễn thể đông lạnh, kể cả hàng xách tay, khi nhập khẩu vào Hàn Quốc phải có Giấy chứng nhận kiểm dịch do cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp, chứng nhận không có các loại mầm bệnh theo quy định của OIE.
Thị trường Trung Quốc cho biết, sẽ áp dụng biện pháp giám sát, lấy mẫu xét nghiệm với tỷ lệ 30% trên mỗi lô hàng đối với các công ty đã bị phát hiện bệnh. Hiện nay các lô hàng tôm xuất khẩu sang Trung Quốc phải có kết quả xét nghiệm âm tính với 3 lần thu mẫu (trước khi thả giống, trong quá trình nuôi và sau khi thu hoạch) đối với một số loại bệnh.
Thị trường Bra-xin cũng có những kiểm soát chặt chẽ khi xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang quốc gia này. Theo quy định của Bra-xin, để nhập khẩu các sản phẩm cá tra, Bộ Thủy sản và Nuôi trồng thủy sản (MPA) của Bra-xin đã sang Việt Nam đánh giá hệ thống kiểm soát dịch bệnh trên cá tra và cơ sở nuôi cá tra trong thời gian từ ngày 4-15/3/2013. Sau đó, MPA đã yêu cầu Việt Nam phải xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm soát và ngăn chặn một số bệnh tại các trại sản xuất, ương và nuôi cá tra.
Để hỗ trợ cho việc xuất khẩu các sản phẩm thủy sản sang các thị trường, hiện nay, về phía Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, đối với xuất khẩu nguyên con tôm đi Úc còn gặp một số khó khăn như: Chưa xây dựng hoàn thiện chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch, Phòng thử nghiệm chưa được phía Úc đánh giá để công nhận tương đương với Úc, vì vậy, trong các buổi trao đổi với bên phía Úc, Cục Thú y đã đề nghị Úc tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đã và đang được Cục Thú y hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá công nhận an toàn dịch bệnh được xuất khẩu tôm sang Úc.
Đồng thời, để hỗ trợ xuất khẩu tôm sú sống sang Trung Quốc, Cục Thú y tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương và các doanh nghiệp thực hiện các yêu cầu về vệ sinh thú y, giám sát dịch bệnh. Cung cấp toàn bộ các thông tin liên quan và đàm phán với cơ quan Thú y có thẩm quyền của Trung Quốc.
Theo đề nghị của Cục Thú y, để đảm bảo chất lượng các lô hàng xuất khẩu theo yêu cầu của từng thị trường, cần bố trí đủ nguồn kinh phí để triển khai giám sát dịch bệnh, đặc biệt giám sát chủ động theo quy định của Luật thú y và Thông tư số 04/2016/TT-BNN&PTNT. Đồng thời, định hướng và khuyến khích các cơ sở xây dựng cơ sở sản xuất giống, nuôi an toàn dịch bệnh, chủ động đáp ứng yêu cầu của các thị trường.