Nương tựa nhau trên biển
Ngư dân Nguyễn Trung Thôn (thôn Kim Giao, xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn) chia sẻ: Tổ của chúng tôi có hơn 10 chủ tàu khai thác cá ngừ đại dương. Chúng tôi xem biển cả là nhà, anh em thuyền viên là người trong gia đình, người nhiều trải nghiệm hơn hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm nhìn con nước, phán đoán luồng cá cho những thành viên mới. Khi tàu của mình phát hiện có luồng cá lớn cũng sẽ phát tín hiệu cho tàu cùng tổ đến cùng khai thác. Nhờ vậy, các chuyến biển thêm an lành, hiệu quả khai thác thủy sản cũng cao hơn. Riêng tàu cá của tôi, bình quân mỗi chuyến có thu nhập 120 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 70 triệu đồng”.
Chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 97245 - TS Đỗ Minh Thông, cùng ở xã Tam Quan Bắc, cho biết: Ngày 2.11, khi tàu đang đánh bắt tại vùng biển có tọa độ 15 độ vĩ Bắc - 116,1 độ kinh Đông (cách Đông Đông Bắc xã Tam Quan, huyện Hoài Nhơn 350 hải lý), thì thuyền viên Trần Văn Kim bị động kinh, co giật. Dù biết cho tàu vào bờ sẽ lỗ nặng, nhưng tính mạng thuyền viên quan trọng hơn nên chúng tôi không chần chừ vào bờ. Đây cũng là một quy tắc tất cả các tổ, đội đoàn kết khai thác thủy sản trên biển đều tôn trọng, nó khiến cái tình của “người trong gia đình” thêm gắn bó keo sơn.
Tổ đoàn kết mà ông Nguyễn Hữu Hùng, chủ tàu BĐ 93031-TS (thôn An Quang Đông, xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) tham gia cũng phát huy hiệu quả tích cực. Ông bộc bạch: “Tổ chúng tôi có 5 tàu chuyên đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Trên biển, các anh em trong tổ thường nhắc nhau đảm bảo an toàn, tập trung lao động, tiết kiệm. Các tàu cá thành viên thường thông báo cho nhau về diễn biến thời tiết, chủ động di chuyển tàu cá ra khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn. Nhờ vậy, tổ của chúng tôi đã hạn chế được rủi ro, sản lượng khai thác đạt cao, đầu ra sản phẩm ổn định và thuận lợi. Các thành viên trong tổ đều có thu nhập khá, riêng gia đình tôi mỗi chuyến biển có thu nhập trên 100 triệu đồng”.
Ông Trần Văn Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: Đến nay, tỉnh ta đã thành lập được 723 tổ, đội đoàn kết với 2.878 tàu cá của ngư dân của các huyện: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát và TP Quy Nhơn tham gia. Qua trao đổi với ngư dân, bà con đều cho rằng, tham gia vào tổ, đội đoàn kết thì hoạt động sản xuất thuận lợi và thu nhập ổn định hơn.
Hỗ trợ ngư dân bám biển
Theo ngành chức năng và chính quyền các địa phương, bên cạnh việc hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và phòng tránh thiên tai trên biển, các thành viên các tổ, đội còn là những tuyên truyền viên về chống khai thác bất hợp pháp, góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của EC cho thủy sản Việt Nam. Do vậy, tỉnh ta luôn tạo điều kiện để ngư dân phát triển sản xuất và phát huy tinh thần đoàn kết trên biển.
Đánh giá cao lợi ích của các tổ, đội đoàn kết khai thác thủy sản, thời gian qua, Sở NN&PTNT đã hỗ trợ tối đa ngư dân phát triển mô hình này; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đăng ký đăng kiểm tàu cá của ngư dân. Thực hiện việc xây dựng mới và nâng cấp các Trạm bờ để giám sát tàu cá và thông tin qua lại với ngư dân. Đồng thời phân tần số liên lạc riêng cho tàu thuyền của từng xã nhằm chống nghẽn mạng, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt.
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh tiếp tục phối hợp với chính quyền các huyện, thành phố ven biển tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn ngư dân thành lập thêm các tổ, đội đoàn kết khai thác thủy sản trên biển nhằm hạn chế rủi ro, tăng hiệu quả sản xuất; đồng thời đẩy mạnh thực hiện các chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đóng tàu mới, mua sắm trang thiết bị để khai thác thủy sản đạt hiệu quả hơn.