Một năm mới tốt lành cho tôm
Năm vừa qua là một năm tương đối tốt cho ngành nuôi tôm, khi mà thị trường tiêu thụ đã dần phục hồi mạnh mẽ. Điều này sẽ tiếp tục diễn ra vào năm 2022, với dữ liệu được trình bày tại hội nghị GOAL cho thấy rằng năm 2022 sẽ chứng kiến sản lượng tôm sú tăng trên mức trước đại dịch. Điều này đang được thúc đẩy chủ yếu bởi Ecuador và Ấn Độ, với sản lượng xuất khẩu tăng khoảng 20% đến 30% ở mỗi nước.
Năm 2022, dự báo sản lượng tôm sú tăng trên mức trước đại dịch.
Nhu cầu cao đối với cá hồi
Cá hồi Đại Tây Dương tiếp tục chiếm ngự vị trí phổ biến và hứa hẹn sẽ mang lại lợi nhuận lớn trong năm nay - thực tế cho thấy rằng cầu có khả năng vượt xa nguồn cung. Hai nước Na Uy và Chile sẽ vẫn là các nhà sản xuất cá hồi chính với sản lượng tổng thể sẽ tăng khoảng 5%. Điều này sẽ có tác động đến giá cá hồi trên thị trường có thể giữ chúng ở mức cao.
Nhu cầu cá hồi có thể sẽ vượt xa nguồn cung. Ảnh: Barbara Jackson.
Người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng thủy sản nuôi
Nguồn cung thủy sản được cung ứng bởi hai hoạt động đánh bắt thủy sản tự nhiên và nuôi trồng thủy sản. Báo cáo lưu ý rằng sản phẩm thủy sản đang được người tiêu dùng quan tâm thường xuyên bởi mức độ phổ biến ngày càng tăng của nó, cũng như giá thành thấp hơn so với giá thịt bò và gia cầm đang có xu hướng tăng.
Như vậy, nguồn cung thủy sản thông qua nuôi trồng với giá rẻ sẽ được thị trường ưa chuộng hơn, đặc biệt nếu các sản phẩm từ đó an toàn sinh học và mang lại nhiều tiện ích hơn cho người mua sắm bình thường.
Lạm phát vẫn ảnh hưởng
Báo cáo lưu ý rằng những người tham gia cuộc khảo sát của GOAL đã liệt kê giá cả thị trường là một trong những mối quan tâm chính trong năm và lạm phát là một yếu tố thúc đẩy giá tăng cao; tỷ lệ lạm phát hiện nay cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong thập kỷ qua. Một loạt các yếu tố đang tác động đến chi phí gia tăng trên thị trường nuôi trồng thủy sản, từ giá nhân công tăng đến gián đoạn trong khâu hậu cần.
Sự xuất hiện mạnh mẽ trên các kênh dịch vụ thực phẩm có thể làm giảm bớt vấn đề lạm phát. Ảnh: Michal Jarmoluk
Mặc dù vậy, nhu cầu ngày càng tăng đối với thủy sản trên thị trường bán lẻ và sự xuất hiện mạnh mẽ trên các kênh dịch vụ thực phẩm có thể làm giảm bớt vấn đề lạm phát ngay từ đầu. Chi phí bán lẻ thấp hơn thịt bò và gia cầm cũng có thể có tác động có lợi đối với ảnh hưởng của lạm phát.
Nguồn cung phải được tăng một cách bền vững
Với nhu cầu thủy sản ngày càng tăng cao đồng nghĩa nguồn cung cũng sẽ tăng cao, trong hội nghị đã lưu ý rằng điều này phải được thực hiện một cách bền vững. Khi các quốc gia đặt ra các hướng đi mới hướng tới tính bền vững trước các mục tiêu khí hậu đến năm 2030, nuôi trồng thủy sản sẽ phải đáp ứng các tiêu chí bền vững bằng cách phát triển kỹ thuật thân thiện với môi trường. Việc áp dụng các công nghệ mới sẽ cho phép các công ty có tốc độ tăng trưởng liên tục phù hợp với yêu cầu của một thế giới bị ảnh hưởng bởi nhu cầu thủy sản cao và khí hậu ngày càng thay đổi.
Nuôi trồng thủy sản sẽ phải đáp ứng các tiêu chí bền vững. Ảnh: activefisher.net
Riêng Việt Nam các chuyên gia nước ngoài nhận định rằng Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản. Tuy nhiên, để biến tiềm năng thành giá trị xuất khẩu, trước tiên Việt Nam phải kiểm soát tốt môi trường và quy trình nuôi trồng thủy sản, cụ thể là chất lượng nguồn nước, chất lượng con giống, dư lượng kháng sinh, dịch bệnh nhằm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Với việc phát triển thị trường, Việt Nam phải xác định rõ khách hàng và phân khúc mục tiêu, tận dụng tốt thị trường ngách "đối thủ" bỏ qua.