1. Tôi theo ngư dân Mai Văn Hải ở đảo Lý Sơn đi gặp những ngư dân từng được cá ông cứu mạng. Hải bảo mình dưới 30 tuổi, có hơn 10 năm ngang dọc quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa với nghề lặn. Anh nói: “Cá ông trên biển thì gặp hoài. Ổng hiền lắm, không có quậy phá ai hết”. Đưa tôi đến nhà anh Nguyễn Thiện (40 tuổi, ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi), Hải giới thiệu đây là một trong 12 ngư dân được cá ông cứu sống trong trận bão biển năm 2009. Hỏi có đúng không, Thiện gục đầu nói “đúng y luôn”. Chỉ vào bé gái Nguyễn Thiên Thư (6 tuổi), Thiện nói đó là con gái mình. Khi gặp nạn, bé Thiên Thư còn trong bụng mẹ. Đó là ngày kinh hoàng mùng 8.9.2009, chiếc tàu QNg-98.380 đang đánh bắt thì được báo biển động. Thiện cho tàu chạy vào quần đảo Hoàng Sa nấp nhưng phía Trung Quốc không cho nên “mở hết ga” chạy về đảo Lý Sơn. Khi cách đảo hơn 7 hải lý thì biển động mạnh, con tàu bị sóng xô dạt ra gần 4 hải lý nữa, sóng đánh sập ca bin. Tàu tiếp tục bị trôi ra khơi thêm cả trăm hải lý. Sáng hôm sau sóng biển vẫn tiếp tục hung dữ, từng đợt bổ vào, con tàu đầy nước. “Sóng đánh liên hồi, con tàu thì như lá tre, tung lên rồi chìm xuống theo từng ngọn sóng. Không hiểu sao tàu vẫn không chìm…”. Thiện nhớ lại, lúc ấy cứ mỗi khi sóng bổ vào là ở phía trước mũi tàu cũng có một ngọn sóng hàng chục mét phun trào lên ngăn trước ngọn sóng. Tàu ngập nước nhưng vẫn không chìm mà cứ nổi bồng bềnh, chống chọi suốt 48 giờ đồng hồ. Đến sáng 10.9, khi biển bình yên trở lại, 12 anh em trên tàu mới thấy một “ông cá” màu đen mốc từ dưới thân tàu gạt nước bơi ra, phun một cột sóng lên trời như tỏ lời tạm biệt rồi bơi đi. “Con tàu tui dài 15m, rộng 4,2m nhưng so với thân hình của cá ông thì còn nhỏ hơn. Lúc này anh em mới biết từng ngọn nước phun lên ngăn những đợt sóng là của ai; vì sao tàu nghiêng ngả mấy bận nhưng không chìm…” - Thiện kể lại, mắt nhìn xa thẳm về phía biển. “Anh em lúc ấy có người đã quỳ xuống vái về phía ông cá, lạy để cảm ơn cứu mạng”. Ngày 11.9, khi Thiện và anh em về đảo lúc khoảng 2 giờ sáng, bà con mới tin là họ đã thoát chết. Sáng hôm sau, Thiện cùng anh em trên tàu sắm lễ vật đi bái lạy 24 dinh, lăng, miếu trên đảo…
Sống cả đời với biển và sắp đến ngày về với tổ tiên, nhưng ông Nguyễn Sướng (hơn 90 tuổi, ở thôn An Đông, xã An Vĩnh) và hai anh em không quên chuyện mình thời trung niên được cá ông cứu mạng trong dông tố. Hồi đó là sau giải phóng, ông Sướng cùng 2 ngư dân khác chèo thúng đi câu mực. Hôm ấy biển bỗng nhiên nổi sóng ầm ầm, chiếc thúng câu mực bị lật úp. “Ba anh em tui lấy dây neo cột tay với nhau để chống chọi với sóng, thà chết chung, nhưng miệng thì thầm cầu “ông” đến giúp. Trong lúc hiểm nguy thì một ông cá to bơi đến. Ba anh em cùng nhau bám chặt trên lưng ông và được đưa vào vùng nước cạn. Khi lên bờ rồi và mãi đến bây giờ, tui vẫn như nằm mơ. Chuyện đó tưởng như chỉ có trong cổ tích, nhưng nó lại xảy ra trong đời tui”. Ông già Sướng kể chuyện, nói về cá ông với lời thành kính vô ngần. Trong sâu thẳm ông già xứ biển này, chuyện tin vào “ông Nam Hải” với người xứ đảo là có thật. Biển bao la, trời nước khôn cùng, đã có biết bao người được “ngài” cứu sống trở về với gia đình, người thân, trong đó có cả ông nữa.
2. Ngư dân miền Trung vẫn giữ niềm tin về cá ông với nét văn hóa tâm linh đặc sắc. “Không tin không được cháu à! Có nhiều chuyện xảy ra không thể nào lý giải được” - ông Lê Ơi (vạn trưởng thôn Thạch Bi, xã Phổ Thạch, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi) nói vậy. Ông Ơi cho biết làng chài quê mình từng “đón” ông cá dạt vào bờ theo một cách rất kỳ lạ. Đó là vào dịp Tết Nguyên đán 2015, có một người từ vùng biển Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) tìm đến làng chài Thạch Bi để gặp ông Lê Ơi và bảo: chuẩn bị lễ vật đón “ông Nam Hải” sắp vào. Hỏi vì sao như vậy, người đàn ông nọ nói, nằm mơ thấy báo mộng nên tìm ra đây báo tin. Ông Ơi nửa tin nửa ngờ, nhưng sáng hôm sau hay tin, một con cá voi dài 3m, lưng màu xanh đen, bụng màu trắng lụy vào bờ biển Sa Huỳnh. Ông Lê Ơi nói: “Khi phát hiện cá ông lụy vào, cả làng chài tìm cách để đưa “ông” ra khơi nhưng “ông” không chịu, lại cứ lụy vào nên dân làng xúm lại khiêng lên bờ. Lúc lên bờ “ông” chưa chết hẳn. Điều kỳ lạ là cả làng ai nói “ông” cũng không làm theo, nhưng người ở Đại Lãnh kia nói há miệng, mở mắt thì “ông” đều làm để dân đổ nước dừa vào miệng. Người dân trong vùng bảo, Sa Huỳnh là nơi ông Nam Hải muốn về tu”.
Xác cá voi được thuyền trưởng Trương Đình Kỳ lai dắt vào tháng 4.2013. Ảnh: Văn Mịnh
Đi qua nhiều làng chài ven biển, tôi được nghe nhiều chuyện tâm linh về ngài Nam Hải. Ông Huỳnh Văn Phục (47 tuổi, ở xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) kể rằng, có một bận ông đi câu mực ở Trường Sa. Suốt gần một tháng cả tàu câu không được bao nhiêu. Một buổi chiều, tàu đang thả thúng câu thì phát hiện một cây cổ thụ đang dật dờ trôi trên biển. Ai nấy định bụng kéo cây này về bán, để bù cho chuyến biển thất bát. Ai ngờ khi đến gần thì phát hiện đó là ông cá voi đã chết, lớn gấp hai chiếc tàu câu mực, thịt đã phân hủy. Xung quanh cá voi là bầy cá he xúm xít như hộ tống. “Đêm đó, tất cả thúng câu mực đều không câu được một con. Mười mấy cái thúng đều bị bầy cá he bơi thẳng đến “quậy phá”. Thấy sợ, anh em mới thắp nhang cúng vái rồi rút về tàu. Ở đây người dân quan niệm cá he cùng với cá đao cờ là tướng hộ vệ của ông Nam Hải, thấy tàu câu mực cản đường vô lễ nên “tướng he” mới đến “dạy dỗ” một phen” - ông Phục kể.
Hôm ở đảo Lý Sơn, tôi được ông Phạm Văn Dưỡng (82 tuổi, chủ tế lăng bà Thủy Long) trên đảo dắt ra xem một ngôi mộ dài trên 10m ở thôn Tây, xã An Hải rồi kể, đây là mộ của ông Nam Hải được an táng giữa tháng 4.2013. Lúc đó, tàu cá của ông Trương Đình Kỳ khi đánh bắt ở biển Trường Sa thì phát hiện cá voi nặng trên 5 tấn, dài hơn 10m trôi dạt trên biển. Cho đó là điều hên, ông Kỳ liền bỏ phiên biển và lai dắt cá voi vào bờ để mai táng. Từ nơi phát hiện xác cá voi về đảo Lý Sơn 170 hải lý, xác cá bắt đầu phân hủy, nhưng cả tàu ai cũng quyết tâm đưa bằng được vào bờ. Theo tục lệ của người dân đảo, ai thấy ngài Nam Hải đầu tiên thì người đó phải để tang 24 tháng. Sau khi an táng, các lễ tục cho người chết thế nào thì cũng thực hiện với cá voi như thế, vẫn làm tuần 7 ngày, 21 ngày, 49 ngày, 100 ngày… “Từ lâu đời, dân đảo chúng tôi xem ngài là vị thần bảo vệ tính mạng, sự bình yên cho những chuyến ra khơi, nên lễ an táng làm rất nghiêm túc” - ông Dưỡng nói, tay cầm nén nhang đưa lên khấn vái. Gió từ biển thổi vào, đưa làn khói bay là là phủ quanh mặt lão ngư đang thành tâm cầu khấn cho dân chài được an lành…