Bạn đọc Hoàng Hùng, Quảng Nam (bichngan1977@...): Hoàn toàn thống nhất với dự thảo Nghị định, đặc biệt cần sớm thành lập Sở Thủy sản để có điều kiện hỗ trợ ngư dân, phát triển kinh tế biển, bảo vệ biển đảo có hiệu quả nhất.
Bạn đọc Nguyễn Thừa Thịnh, Trà Vinh (email: nguyenthuathinh@...): Tôi hoàn toàn ủng hộ việc tái lập Sở Thủy sản, nhất là sau 5 năm đã nhập Sở Thủy sản vào chung Sở Nông nghiệp, ngành Thủy sản tại một số tỉnh ven biển bị ảnh hưởng về nuôi trồng, khai thác do ít được quan tâm như trước. Đặc biệt, trong bối cảnh khai thác thủy, hải sản đang đứng trước rất nhiều khó khăn do giá cả đầu vào tăng, ngư trường không ổn định, nguồn lợi thủy sản suy giảm .... Để Việt Nam mạnh và giàu từ biển thì việc tái lập lại Sở Thủy sản ở địa phương để củng cố nuôi trồng và khai thác thủy sản là rất cần thiết.
Bạn đọc Nguyễn Tiến Diệt, Tiền Giang (tiendiet@...): Nước ta có 28 tỉnh thành ven biển nên tái thành lập Sở Thủy sản ở các tỉnh ven biển không chỉ giúp cơ quan quản lý nhà nước này tham mưu tốt về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, khai thác biển, hậu cần nghề cá,… mà còn đem lại lợi ích thiết thực hơn cho các ngư dân.
Bạn đọc Trần Duy Trinh, Quảng Ninh (Chinhait3@...): Xét về phạm vi quốc gia, thủy sản là một trong những ngành quan trọng trong kinh tế biển nước ta. Ngoài vai trò như là một ngành sản xuất vật chất chủ yếu của vùng nông thôn ven biển, tạo công ăn việc làm và nuôi sống hàng triệu người, ngành khai thác và nuôi trồng thủy sản còn đóng vai trò như là lực lượng thường trực trên biển, đầm phá, thực hiện chủ quyền vùng biển của đất nước, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và củng cố quốc phòng,… Cho nên, việc thành lập lại Sở Thủy sản ở các tỉnh ven biển sẽ tạo điều kiện tốt hơn trong quản lý chuyên ngành thủy sản ở các tỉnh nhằm đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài trong chiến lược phát triển kinh tế biển nước ta.
Tuy nhiên, theo dự thảo này, để thành lập Sở Thủy sản thì các tỉnh đáp ứng 3 tiêu chí: 1. Có chiều dài bờ biển từ 50km trở lên; 2. Giá trị kinh tế thuỷ sản xếp vị trí thứ 3 trở lên trong GDP của địa phương và được xác định là ngành kinh tế có vai trò quan trọng đối với sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương; 3. Có tổ chức chuyên trách về thủy sản trước đây trực thuộc UBND tỉnh.
Bạn đọc Trinh cho rằng quy định này sẽ làm cho việc tái lập Sở Thủy sản gặp khó khăn hơn vì thực tế thì rất ít các tỉnh ven biển đạt tiêu chí thứ 2 (còn 2 tiêu chí 1 và 3 thì hầu hết các tỉnh đều đạt) và nếu như thế thì hầu hết các tỉnh ven biển có thể không đủ điều kiện để tái lập lại Sở Thuỷ sản như trước đây. Hơn nữa xét riêng tiêu chí thứ 2, có thể thấy rằng nó không phản ánh được vai trò vị trí của ngành thủy sản xét về mặt an sinh xã hội, an ninh, quốc phòng,... nhất là đối với các tỉnh có các ngành công nghiệp, du lịch, dịch vụ,... phát triển.
Bạn đọc Duy Trinh đề xuất dự thảo nên điều chỉnh quy định tái lập Sở Thủy sản theo hướng: địa phương được thành lập Sở Thủy sản nếu đạt 2/3 tiêu chí như đã nêu hoặc sửa đổi tiêu chí thứ 2 thành: “Thủy sản được xác định là ngành kinh tế có vai trò quan trọng đối với sự phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương”.
Bạn đọc Phạm Quyền, Thừa Thiên Huế (email: tienquyenjeankean@..): Trong 3 tiêu chí mà dự thảo đưa ra, tôi thấy tiêu chí 2 về GDP là chưa thực sự phù hợp, vì tùy theo mỗi địa phương sẽ có đặc điểm khác nhau. Bởi vì, GDP mỗi năm sẽ mỗi khác, bây giờ một số tỉnh có GDP đạt theo yêu cầu nhưng các năm sau không đạt thì sao? Không lẽ sẽ phải nhập lại với Sở Nông nghiệp, ngược lại các yỉnh không có GDP đạt yêu cầu nhưng sau này sẽ đạt thì sẽ tự tách?
Mặt khác, thực tiễn cho thấy nhiều ở tỉnh miền Tây Nam bộ, giá trị kinh tế bờ biển có thể xếp thứ nhất trong GDP của địa phương, nhưng lại không có bờ biển,… Trong khi đó, tiêu chí GDP lại không được đề cập trong điều kiện thành lập Sở Du lịch, Sở Lâm nghiệp. Do đó đề nghị không nên quy định GDP là tiêu chí “cứng”, mà chỉ cần quy định tỉnh nào đạt 2/3 tiêu chí là đủ điều kiện thành lập Sở Thủy sản cho phù hợp với thực tế ở các địa phương.