Cơ duyên đến với nghề nuôi cá Tầm
Năm 1990, sau khi rời quân ngũ trở về với xứ Mường thân yêu và mang trong mình bầu nhiệt huyết và khát vọng của người lính để xây dựng quê hương mình giàu đẹp. Nhưng khi ông lập gia đình thiết tưởng vợ chồng son trẻ, sức khỏe có sẵn có thể thoát đói giảm nghèo được. Nhưng ở một vùng sơn cước còn đầy khó khăn như Khánh Thượng thì cái đói, cái nghèo như “chiếc vòng kim cô” cứ đeo đẳng cuộc sống vợ chồng ông mãi. Cho đến một ngày cuối tháng 4 năm 2013, duyên may đã đến với ông Vận, đến lúc này ông Vận nhớ lại mà cứ tưởng như mình đang mơ đó là khi ông đang đi làm rừng thì nghe tin có một đoàn cán bộ của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội về khảo sát con suối chảy qua nhà ông để nuôi cá Tầm. Sau khi tìm hiểu, các chuyên gia cho biết khu vực nước suối ở thôn Sui Quán có điều kiện thuận lợi cho việc nuôi cá Tầm. Mới đầu nghe đến có thể nuôi cá Tầm ở vùng núi Khánh Thượng, ông không tin. Vì từ trước đến nay ông chỉ mới nghe đến loại cá đặc sản này trên ti vi và phải được nuôi ở những vùng có không khí mát mẻ như Sapa (Lào Cai) hay Đà Lạt (Lâm Đồng) và kỹ thuật nuôi cũng không đơn giản chút nào. Do đây là một loài cá mới nên ông cùng nhiều hộ dân xung quanh vẫn còn hoài nghi và đặt ra nhiều câu hỏi như cá đó nuôi như thế nào, là loại cá đặc sản chỉ giành cho người giàu nên thị trường đầu ra ra sao? Trước vô vàn những khó khăn đặt ra nhưng với ý chí quyết tâm và ham học hỏi sẵn sàng mạo hiểm áp dụng cái mới để có cơ hội thoát được nghèo. Ông Vận đã tiếp nhận chương trình nuôi cá Tầm thương phẩm do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và Trạm Khuyến nông Ba Vì triển khai. Lần đầu nuôi cá Tầm, ông Vận đã gặp rất nhiều khó khăn, vất vả hơn cả người đi mở đường trên núi cao, rừng sâu. Mặc dù ông đã được hỗ trợ 100% về giống, một phần thức ăn, đường ống dẫn nước, bể nuôi. Cơ quan Khuyến nông đã cử cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống hướng dẫn ông cách thiết kế bể nuôi, lựa chọn địa điểm đặt ống dẫn nước và đặc biệt thiết kế hệ thống dẫn nước vào bể dưới dạng phun mưa nhằm tăng hàm lượng oxy cho cá nuôi.
Cán bộ kĩ thuật trung tâm khuyến nông Hà Nội kiểm tra cá Tầm
Sau khi công tác chuẩn bị đã xong ông cùng người dân xung quanh hồi hộp và háo hức để được tận mắt nhìn thấy những chú cá Tầm bơi trong dòng nước mát. Sự trông đợi và kỳ vọng của ông Vận cùng người dân đã thành hiện thực khi thấy những con cá tầm như những chiếc tàu ngầm nhỏ bơi tung tăng trong nước. Ngày thả giống cá được bà con làng trên xóm dưới đến xem như trẫy hội làm ông cũng rất phấn khởi và nghĩ về một lứa cá đặc sản bội thu. Nhưng mọi việc không thuận như ông nghĩ là ngay ngày hôm sau trong bể đã có một vài con cá không chịu bơi mà cứ phơi trắng bụng.
Lúc này lo lắng đã hiện rõ trên khuôn mặt của vợ ông còn bà con xóm bản xung quanh thì luôn bàn tàn và nghĩ chắc ông phải bỏ cuộc với loại cá đặc sản này. Đứng trước những khó khăn và áp lực tâm lý nhưng ông Vận vẫn chắc tay lái vững tay chèo không hề nao núng. Ông nghĩ: “phải kiên định theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông chăm sóc cá cho đúng phương pháp, đúng với điều kiện thời tiết khí hậu vùng cao". Câu động viên của người cán bộ khuyến nông “đâu cần Khuyến nông có, đâu khó có khuyến nông” như tiếp thêm sức mạnh cho ông vượt qua khó khăn. Ngay khi cá chết cán bộ khuyến nông đã có mặt ngay tại nhà ông để tìm nguyên nhân. Theo các chuyên gia thì nguyên nhân được xác định do cá phải vận chuyển đường dài, một vài con bị mệt và chưa phù hợp với khí hậu đã dẫn đến hiện tượng cá chết. Khó khăn nối tiếp khó khăn do đây là một đối tượng nuôi mới được đưa về nuôi ở Khánh Thượng nên đôi khi thời tiết mưa nhiều và môi trường biến động đã dẫn đến có hiện tượng cá bị bệnh và chết. Tuy nhiên giúp ông tháo gỡ các khó khăn trong quá trình triển khai thực tế nuôi cá Tầm, Ông Vận đã được cán bộ khuyến nông ăn, ngủ với cá để hướng dẫn ông tỉ mỉ từ cách vệ sinh bể nuôi; cho cá ăn đúng 4 định; theo dõi tập tính bắt mồi, phân thải ra, màu sắc cá để phát hiện cá bệnh xử lý kịp thời. Mặc dù Cá Tầm là loài cá yêu cầu sống trong môi trường nước có hàm lượng oxy cao, nước sạch, nhiệt độ đảm bảo do đó khi ông Vận đã làm tốt công tác quản lý bể nuôi nên cá ít bị bệnh. Với ý chí quyết tâm, kiên định tuân thủ chặt chẽ quy trình nuôi cá tầm mà cán bộ khuyến nông hướng dẫn. Cuối cùng những con cá tầm “đỏng đảnh” khó nuôi đã bén duyên với mảnh đất xứ Mường Khánh Thượng.
Kết quả với cỡ cá thả ban đầu chỉ 100g/con đến nay sau thời gian 6 tháng nuôi cá Tầm nhà ông Vận đạt 2000g/con và đã có thể xuất bán ra thị trường. Do đây là nguồn cá Tầm được nuôi trong nước với nguồn nước sạch nên đã có nhiều nhà hàng từ Hà Nội đặt mua. Theo ước tính của ông Vận sau khi trừ chi phí về con giống, thức ăn, đầu tư cơ sở vật chất với bể 50m3 nước nuôi 500 con cá Tầm cho gia đình ông thu nhập gần 40 triệu đồng. Theo ông Vận sở dỉ cá Tầm có được lợi nhuận cao là do tận dụng nguồn nước suối dồi dào không phải chi phí tiền điện để bơm nước. Khoản thu nhập trên tuy chưa phải là lớn, nhưng đối với người dân vùng núi còn nhiều khó khăn như Khánh Thượng thì đây là một bước tạo đà trong phát triển kinh tế hộ gia đình.
Theo Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng khuyến nông chăn nuôi thủy sản thuộc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết: Cá tầm đã được nuôi ở một số tỉnh của nước ta. Với Hà Nội đây là lần đầu tiên được nuôi tại xã Khánh Thượng (Ba Vì). Kết quả mô hình đã giúp cho bà con dân tộc vùng núi như Khánh Thượng phát triển kinh tế. Nếu mô hình này được nhân rộng và phát triển ra các năm tiếp theo sẽ cung cấp một lượng lớn cá Tầm sạch mang thương hiệu Khánh Thượng cung cấp cho thị trường thủ đô. Tuy nhiên do Khánh Thượng là vùng miềm núi nên điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn trong khi đó để nuôi được cá Tầm cần đầu tư lớn đặc biệt là cơ sở hạ tầng như bể nuôi, đường ống dẫn nước, cũng như trình độ kỹ thuật cao… Chính vì vậy, để giúp người dân vùng núi Ba Vì phát huy lợi thế mở rộng nghề nuôi cá Tầm rất cần sự quan tâm hỗ trợ của các cấp, các ngaành về vốn, kỹ thuật cũng như đầu ra cho sản phẩm..
Có thể nói, sự “bén duyên” của cá Tầm với xứ mường Khánh thượng đã mở ra một hướng đi mới giúp người dân vùng núi còn nhiều khó khăn ở Khánh Thượng nâng cao được thu nhập. Từ đó góp phần đưa Khánh Thượng sớm hoàn thành cuộc cách mạng xây dựng nông thôn mới.