Bất chấp những khuyến cáo của ngành chức năng, anh Nguyễn Trọng Trung, thôn 2 xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Xuyên vẫn quyết định thuê hồ nuôi tôm công nghiệp nằm ở ngoài vùng quy hoạch để thả giống. Khát khao làm giàu là chính đáng, nhưng con đường làm giàu của anh nhiều người lại cho là chông chênh, mạo hiểm… Kiến thức nuôi tôm chủ yếu được anh học hỏi từ những năm làm thuê cho các chủ nuôi. Còn kinh nghiệm để có những vụ nuôi thành công theo anh Trung, phần lớn còn dựa vào yếu tố may mắn.
Nuôi tôm - nghề mang lại lợi nhuận cao, làm giàu nhanh, nhưng cũng khiến bao người trắng tay sau những vụ tôm thất bại, nhất là với những hồ nuôi nằm ngoài vùng quy hoạch. Hồ nuôi không đảm bảo môi trường, không thể khống chế dịch bệnh là những hệ lụy thường được nhắc tới khi tôm bị chết. Thế nhưng, lợi nhuận từ nuôi tôm khiến nhiều người cam lòng từ bỏ hoặc chuyển sang nuôi loài khác có thu nhập ít hơn và an toàn hơn.
Cẩm Xuyên có 204 ha nuôi tôm, trong đó có trên 50% hệ thống ao nuôi là do người dân xây dựng tự phát hoặc các vùng được xây dựng từ chương trình 224 nhưng người dân không có vốn đầu tư cải tạo nội đồng nên độ sâu ao hồ nuôi không đạt yêu cầu kỹ thuật.
Mạnh ai nấy nuôi, và hệ lụy là môi trường bị hủy hoại, tôm bị dịch bệnh, lây lan sang cả vùng quy hoạch nuôi tôm… Đây là lý do mà nhiều diện tích nuôi tôm nằm trong quy hoạch ở địa phương này bị bỏ hoang thời gian qua.
Để môi trường không bị ô nhiễm, hồ tôm không còn bỏ hoang lãng phí, việc rà soát, quy hoạch lại nhằm bảo đảm sự phù hợp và hài hoà giữa quy hoạch trồng thuỷ sản và các quy hoạch phát triển các lĩnh vực khác có lẽ là những việc cần làm ngay ở huyện Cẩm Xuyên.