Tranh thủ trời nắng, vùng nuôi tôm công nghệ cao trên cát của HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành (Xuân Phổ - Nghi Xuân) tập trung nhân lực, phương tiện cải tạo ao đầm cho vụ tôm đầu tiên trong năm 2019.
Giám đốc kỹ thuật HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành Hồ Quang Dũng cho biết: Thời tiết đầu năm 2019 rất thuận lợi để cải tạo, sửa sang lại ao đầm cho tổng diện tích 12 ha ao nuôi. Bởi vậy, chúng tôi đang huy động tối đa nhân lực đẩy nhanh tiến độ, kịp thời xuống giống từ ngày 20 – 25/2. Vụ tôm này, HTX dự kiến thả 15 triệu con tôm giống, được mua từ các cơ sở có uy tín, thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Trời nắng, người nuôi tôm ở xã Cương Gián (Nghi Xuân) tranh thủ phơi đáy ao diệt tạp
Không chỉ các vùng nuôi tôm trên cát mà những vùng nuôi tôm thâm canh trên ao đất cũng đang tất bật vào vụ nuôi mới. Tại vùng nuôi tôm Hộ Độ (Lộc Hà), bà con đang tập trung vệ sinh hệ thống kênh cấp, thoát nước, ao chứa lắng, đồng thời vét bùn đáy ao, tu sửa bờ nhằm loại bỏ mầm bệnh tồn dư trong ao nuôi, hạn chế dịch bệnh xẩy ra…
“Để vụ tôm đầu năm thắng lợi, tôi không ngần ngại bỏ ra hàng trăm triệu đồng để cải tạo ao đầm theo đúng quy trình, kỹ thuật”, ông Nguyễn Văn Mại - một chủ đầm tôm cho hay.
Người nuôi tôm xã Hộ Độ (Lộc Hà) đầu tư sửa chữa lại quạt nước hồ tôm
Để cung cấp nguồn giống chất lượng cao cho người dân nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Sản xuất tôm giống Thông Thuận ở xã Cương Gián (Nghi Xuân) vừa mới nhập khẩu hơn 400 cặp tôm bố mẹ từ Mỹ về cho sinh sản. Đồng thời đầu tư máy nâng nhiệt của Nhật về đảm bảo điều kiện cho con tôm phát triển tốt nhất. Hiện tại, đơn vị đã sản xuất được 40 triệu con tôm giống khỏe mạnh, được kiểm dịch đầy đủ.
Ông Võ Châu Trọng - Giám đốc Trung tâm Sản xuất tôm giống Thông Thuận, cho biết: Đơn vị luôn lấy uy tín, chất lượng đặt lên hàng đầu. Vì vậy, tôm giống không sử dụng các kháng sinh, hóa chất mà được ương dưỡng bằng công nghệ vi sinh đạt tiêu chuẩn, tỉ lệ sống cao.
Cán bộ Chi cục Thủy sản kiểm tra chất lượng tôm giống trước khi xuất bán ra thị trường
Theo ông Nguyễn Công Hoàng – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, bước vào vụ nuôi, ngành chuyên môn tiến hành kiểm tra môi trường tại các vùng nuôi. Nhìn chung, phần lớn người dân đã có ý thức và tuân thủ các biện pháp kỹ thuật cải tạo ao hồ trước khi thả giống.
Chi cục cũng đã kiểm tra môi trường tại nhiều vùng nuôi tôm tập trung với các chỉ tiêu độ sâu ao, pH, độ mặn, đồng thời thu nhiều mẫu tôm tự nhiên để phân tích, cảnh báo cho người dân chủ động phòng ngừa dịch bệnh ngay từ đầu vụ.
Năm 2019, Chi cục Thủy sản vẫn tiếp tục xem con tôm là sản phẩm chủ lực có lợi thế của tỉnh. Từ đó xây dựng kế hoạch với tổng diện tích thả nuôi toàn tỉnh 2.750 ha (tăng 49 ha), trong đó nuôi tôm thâm canh, công nghệ cao đạt 920 ha; tôm bán thâm canh 450 ha; quảng canh, quảng canh cải tiến 1.380 ha. Toàn tỉnh phấn đấu đạt sản lượng 4.800 tấn.
"Để vụ nuôi tôm đầu tiên trong năm thắng lợi, chính quyền các địa phương cần chỉ đạo người dân bám sát và tuân thủ lịch thời vụ. Thời điểm này, người nuôi tôm nên tranh thủ thời tiết thuận lợi tập trung cải tạo ao đầm, đảm bảo đúng quy trình; lựa chọn cở sở sản xuất con giống có uy tín, chất lượng và chấp hành các yếu tố kỹ thuật trong quá trình thả nuôi...” - ông Hoàng khuyến cáo.