Sau một thời gian dài thăng trầm với con cá tra, cá ba sa, anh bạn tôi ở Tân Châu (An Giang) quyết định chuyển nuôi giống cá khác, đó là cá lăng nha đuôi đỏ. Nhờ có quyết định sáng suốt mà 2 năm nay, gia đình có thu nhập khá, khỏi lo cảnh “được mùa mất giá”.
Gặp anh tay bắt mặt mừng, anh có nhã ý mời tôi đến khoe cách làm ăn, sau đó cả hai “lai rai” tâm sự. Vào nhà vừa uống ly nước xong, anh liền dẫn tôi xuống xuồng bơi ra giữa sông, nơi chiếc bè nuôi cá hoành tráng của anh đang tọa lạc.
Thấy trên khuôn mặt tôi lộ vẻ ngạc nhiên về loài cá nầy, anh liền dùng vợt lưới xúc cá lên, và giải thích với tôi như sau: Cá lăng nha đuôi đỏ (còn gọi là cá lăn chiên) là loài cá da trơn nước ngọt, sống nhiều ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đặc điểm cá lăng nha thường sống nơi tầng đáy bùn, hay các vùng nước sâu. Đầu cá hơi dài, miệng rộng, trên miệng có những hàng râu dài (như cá trê), lưng có vi đứng, ức trắng. Tùy theo màu sắc, người ta phân chia cá lăng làm 2 loại: Cá lăng nghệ (mình có màu vàng), có trọng lượng thấp (to nhất khoảng 3kg); và cá lăng đen (da màu đen) đuôi đỏ (trọng lượng có con đạt khoảng 80 kg trở lên).
Cá lăng nha là đặc sản cao cấp, thịt cá màu trắng dẽ dặt, hương vị thơm ngon. Cá chế biến nhiều món ngon nổi tiếng như: Nấu ngót, chiên tươi, kho khóm, nướng muối ớt, nấu canh chua bần, … Trong đó có món mà người dân miền Tây ưa chuông hơn cả là: Thân cá lăng nha nướng muối ớt, và đầu cá lăng nha nấu lẩu bần.
Đầu cá lăng nha đuôi đỏ nấu lẩu bần. Thân cá lăng nha nướng muối ớt
Món thứ nhất, có thể gọi là món khai vị vì nhanh gọn, dễ làm. Trước hết, chọn con cá lớn (trọng lượng từ 1,5 kg trở lên), làm sạch nhớt bằng nước chanh cho hết mùi tanh. Dùng dao bén cắt cá ra từng khứa (lấy khúc giữa), dày khoảng 4 – 5 cm. Ướp gia vị (muối + ớt + đường + bột ngọt) khoảng 10 phút cho cá ngấm. Và, cuối cùng đặt cá đã ướp gia vị lên bếp than hồng, nướng cho cá chín vàng cà 2 mặt, gắp ra đĩa. Chỉ cần chuẩn bị đĩa muối tiêu chanh cùng vài chai bia ướp lạnh nữa là xong!...
Riêng món lẩu đầu cá lăng nấu bần phải hơi dụng công một chút. Điểm nhấn của món lẩu này là gia vị rất đặc trưng của vùng đất phương Nam, đó là trái bần chua. Chính cái vị chua thanh pha lẫn vị chan chát nhẹ, khác hẳn với me, lá giang, trái giác, trái bứa, trái giấm v.v… khiến người mới nếm qua lần đầu cảm thấy lạ và thích thú. Ngoài ra, nước lẩu lại có màu tím thẫm rất khác biệt.
Đầu cá lăng sau khi làm sạch để nguyên cả râu, nếu đầu cá lớn có thể chẻ đôi. Bần chua khoảng 2 trái lớn (nếu có bần dốt, càng ngon) cùng các gia vị khác (rau cần, ghém chuối, rau muống v.v...) tùy theo khẩu vị.
Trái bần Nam Bộ.
Cho nước dừa (có pha nước lã) cỡ 1/3 nồi nấu sôi rồi cho bần chua vào đun tiếp cho chín mềm. Dùng muỗng nghiền nát bần lấy nước bỏ xác, nêm nếm gia vị (muối + đường + bột ngọt + hành lá + một ít nước mắm) cho vừa khẩu vị. Nhớ hốt bọt cho nồi nước dùng được trong. Sau đó, sang nồi nước dùng qua lẩu nấu sôi, giữ độ nóng, rồi cho đầu cá lăng vào nấu chín. Chỉ cần chuẩn bị rau sống, bún và một chén nước mắm nguyên chất cùng trái ớt hiểm chín nữa là đủ.
Khi ăn, chỉ cần cho một ít ghém, rau thơm, bún vào chén. Chan nước dùng vào, và dùng đũa giẽ miếng đầu cá chấm miếng nước mắm đưa lên miệng chậm rãi nhai. Vị béo của thịt đầu cá, dai sần sật của sụn cá như lan tỏa dần vào khắp khẩu vị. “Lùa” miếng bún cùng với rau sống vào. Thật là tuyệt vời và không thể nào quên được 2 món ăn từ loài cá lăng này, đặc sản của Nam Bộ.