Như tin đã đưa, trước đó, vào lúc 15 giờ 30 ngày 11-10, Bệnh viên đa khoa An Phước đã tiếp nhận ba ca ngộ độc do ăn cá nóc, đó là là Tô Trung Kiên 22 tuổi, Phan Văn Ót 36 tuổi và Bùi Văn Hòa 26 tuổi cùng ngụ tại phường Đông Hải, TP Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận). Ba người này là lao động biển trên tàu cá biển số NT-90493, công suất 220 CV, hành nghề lưới quét do ông Tô Minh Thanh, sinh năm 1973, ngụ Khu phố 5, phường Đông Hải, TP Phan Rang-Tháp Chàm là chủ tàu và làm thuyền trưởng. Trên tàu có tất cả 12 lao động.
Đến 10 giờ ngày 11-10, ba người này cùng với Phạm Minh Hoàng, SN 1993 và Trần Quốc Giỏi, SN 1993 (thông tin ban đầu nói là Bùi Văn Mạnh) ăn trưa với món cá nóc do Giỏi câu được. Sau đó khoảng nửa tiếng, tất cả những người này có biểu hiện bị ngộ độc, thuyền trường đã cho tàu chạy vào Phan Thiết cấp cứu. Ba người gồm Kiên, Ót và Hòa bị nhẹ đã được cấp cứu kịp thời tại Bệnh viện đa khoa An Phước, nên không nguy hiểm đến tính mạng. Còn Hoàng và Giỏi được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viên đa khoa Bình Thuận.
Tuy nhiên, do bị nặng, Giỏi đã chết trên đường cấp cứu, Hoàng sau khi được đưa tới Bệnh viện cũng đã tử vong. Cả hai nạn nhân đã được người nhà đưa về quê an táng ngay trong chiều ngày 11-10.
Theo lời kể của anh Phan Văn Ót, người đã may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần, trước buổi ăn trưa định mệnh, khi đang ở cách vùng biển Phan Thiết khoảng 40 hài lý, Giỏi có câu được một con cá nóc sau đó chế biến và rủ một số người trên tàu cùng ăn. Vì mọi người đều cho đây là loại cá nóc họ thường ăn, nên không có độc tố gì. Tuy nhiên, sau khi ăn thì đã xảy ra ngộ độc thương tâm, dẫn đến hai người tử vong, ba người phải cấp cứu.
Vụ việc xảy ra là lời cảnh tỉnh về sự chủ quan của một số người dân vùng biển khi cho rằng ăn cá nóc không bị ngộ độc. Đồng thời qua đây, các cơ quan chức năng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thuyết phục mọi người không được ăn cá nóc.