Theo Sở NN-PTNT TP Hải Phòng, trong thời gian qua thực hiện Thông tư số 27 của Bộ NN-PTNT, TP Hải Phòng đã tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung. Đến nay toàn TP có 398 trang trại, trong đó có 295 trang trại chăn nuôi, 82 trang trại nuôi trồng thủy sản và 19 trang trại tổng hợp.
Nhờ việc quy hoạch khu chăn nuôi tập trung nên TP Hải Phòng cũng kiểm soát khá tốt dịch bệnh, các trang trại đều bị quản lý chặt chẽ hệ thống xử lý chất thải để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Để hỗ trợ nông dân sản xuất nông nghiệp hiệu quả hàng năm Hải Phòng hỗ trợ trên 100 tỉ đồng cho nông dân, ngư dân phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản vì vậy trong nhiều năm giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản liên tục gia tăng. Tính đến nay, đàn gia cầm của tỉnh đạt 6,5 triệu con bằng 105% so với cùng kì 2011; sản lượng thịt hơi các loại sản xuất 6 tháng đầu năm là 55.264 tấn, tăng 2,94% so với cùng kì; sản lượng thủy sản 51.114 tấn tăng 3,45% so với cùng kì…
Ông Dương Anh Điền - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết đặc thù của địa phương là một thành phố công nghiệp, khu vực nông thôn chỉ cách thành thị khoảng 30 km nhưng cũng có rất nhiều khu công nghiệp xen kẽ. Xu thế mở rộng các KCN, KCX đang hút dần lao động từ nông nghiệp, giá sức lao động đang tăng lên. Tại các cánh đồng khi thu hoạch chỉ thấy người già, thiếu niên và người tàn tật.
Để duy trì sản xuất nông nghiệp chỉ còn cách lấy máy móc hoạt động thay người. Đến nay TP đã thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp được 80% nhưng chủ trương là phải đạt 100% cơ giới hóa nông nghiệp. Hiện đối với nông nghiệp Hải Phòng khó khăn lớn nhất vẫn là hệ thống thủy nông, hệ thống đê điều và nhu cầu xây khu neo đậu và dịch vụ hậu cần nghề cá. Mỗi khi mùa mưa lũ về, nhân dân luôn nơm nớp lo ngại sản xuất nông nghiệp sẽ bị thiệt hại.
Về công tác xây dựng nông thôn mới (NTM), năm 2011, kinh phí thực hiện Chương trình là 228 tỉ đồng; năm 2012 kinh phí tăng lên 304 tỉ đồng. TP đã tổ chức tập huấn 4.000 lượt cán bộ thực hiện chương trình NTM. Kết quả, tính đến hết tháng 7/2012, bình quân toàn TP Hải Phòng đạt 7,16 tiêu chí trong đó có 3 xã đạt từ 14-18 tiêu chí; 31 xã đạt từ 9-13 tiêu chí, 79 xã đạt 5-8 tiêu chí và 25 xã đạt dưới 5 tiêu chí.
Theo ông Dương Anh Điền, chủ trương xây dựng NTM của TP là phải tập trung toàn bộ sức lực phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của nhân dân. Bởi dân là chủ thể chính để xây dựng NTM, dân có no đủ, có dư giả vật chất thì mới có điều kiện hưởng ứng phong trào, đóng góp xây dựng NTM.
“Quan điểm của tôi, trụ sở cơ quan đảng, chính quyền phải xây sau cùng, mỗi trụ sở tiêu tốn tiền tỉ trong khi hỗ trợ máy móc cho nông dân ích lợi bao nhiêu”, ông Điền nhấn mạnh. Vì vậy, đối với Hải Phòng các tiêu chí trụ sở cơ quan hành chính sẽ là thứ yếu, mọi nguồn lực sẽ phải tập trung vào hạ tầng phục vụ sản xuất.
Khó khăn của Hải Phòng là không được TƯ bố trí ngân sách xây dựng NTM nên tỉnh phải nỗ lực đi tìm các nguồn lực bên ngoài, vạch ra các chính sách phối hợp cùng doanh nghiệp. Theo ông Điền: “Doanh nghiệp xi măng đang ế, nông dân lại rất cần xi măng. Vậy chúng ta phải coi đây là thời cơ để xây dựng nông thôn mới”.
UBND TP đề nghị Chính phủ quan tâm hỗ trợ thành phố hoàn thiện hệ thống thủy lợi, củng cố đê biển và có chính sách cho hơn 6.000 tàu cá đang hoạt động.
Đồng tình với quan điểm của lãnh đạo UBND TP Hải Phòng, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng khẳng định việc ưu tiên hỗ trợ cho bà con phát triển sản xuất chính là cái gốc để xây dựng NTM lâu dài. Tuy nhiên, để các chính sách hỗ trợ trở nên sát với thực tế sản xuất của người dân Bộ trưởng đề nghị TP Hải Phòng rà soát lại quy hoạch nông nghiệp cả về thủy lợi, thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi…, làm rõ thế mạnh về cây trồng vật nuôi của từng địa phương để có chính sách cụ thể đến từng vùng.
Để giúp Hải Phòng thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, Bộ NN-PTNT đã đưa Hải Phòng vào danh sách 1 trong 5 khu kinh tế biển trên toàn quốc đồng thời sẽ tiếp tục hỗ trợ nâng cấp hệ thống thủy lợi, đê điều và xây dựng hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị thành phố xác định những dự án cần ưu tiên và có phương án đề xuất cụ thể.