Hậu Giang là tỉnh có diện tích mặt nước tự nhiên rất lớn và rất phù hợp với việc nuôi các loại cá nước ngọt. Căn cứ vào thực tế và lợi thế đó, những năm qua Sở LĐ-TB & XH đã chủ động lên kế hoạch phối hợp với Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ mở các lớp dạy về kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho nông dân, chủ yếu là người nghèo. Hàng năm tỉnh Hậu Giang mở rất nhiều lớp sơ cấp và nâng cao, với hàng trăm người tham gia. Để việc học luôn đi đôi với thực hành, sau mỗi khóa học đều tổ chức xây dựng mô hình cho các hộ nghèo tham gia, với sự hỗ trợ về tiền đào ao khoảng 500 ngàn đồng; tiền mua cá giống và thức ăn khoảng từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/hộ.
Trong quá trình triển khai, mỗi lớp có hàng chục mô hình như vậy và tất cả đều được các kỹ sư tận tình xuống tận địa phương “cầm tay chỉ việc” cho các hộ nông dân làm theo. Nhờ đó mà nhiều mô hình đã phát triển rất hiệu qủa và trở thành hợp tác xã (HTX) chuyên về nuôi trồng thủy sản, như HTX Thuận Tiến ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy là một vị dụ. Hiện nay HTX Thuận Tiến đã nhân được giống cá rô đồng. Nhiều thành viên của HTX không chỉ thoát nghèo bền vững mà không ít hộ đang khấm khá dần lên và có hộ đã thực sự làm giàu từ con cá rô đồng giống mới.
Cá thác lác cườm hiện nay đang là loại cá đặc sản nổi tiếng, được nuôi nhiều, phát triển mạnh ở các địa phương tỉnh Hậu Giang
Hậu Giang bây giờ đã hình thành hẳn một vùng nuôi cá nước ngọt ở các huyện: Long Mỹ, Vị Thủy, Phụng Hiệp, Châu Thành A…với nhiều loại cá như: Cá lóc, rô phi, trê, sặt rằn và đặc biệt là cá rô đồng và cá thát lát là hai loại cá đang lên ngôi. Mô hình này hiện nay tiếp tục được nhân rộng ở những xã vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc Khmer. Đây là dự án nằm trong Chương trình giảm nghèo được Sở LĐ – TB & XH Hậu Giang phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ triển khai chủ yếu dành cho đồng bào Khmer, đã phát huy hiệu qủa. Ví dụ như hộ ông Danh Quận (dân tộc Khmer) phối hợp cùng lúc cả mô hình nuôi cá và trồng rau sạch các loại, thu nhập ngày càng ổn định, khoảng vài chục triệu đồng/năm. Ông thú thực, nhờ có con cá và cây rau mà nuôi được thằng con trai đầu học đaị học ở Cần Thơ. Trăm nghe không bằng một thấy, đối với người nông dân, nhất là người dân tộc Khmer là vậy, thấy làm có ăn, tất họ sẽ làm theo.
Mô hình nuôi cá lóc trong ao đào và trong đồng ruộng cũng là một trong những mô hình nuôi thủy sản nước ngọt giúp nhiều hộ nông dân xóa nghèo, vươn lên làm giàu
Thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp hiện đang trở thành một vùng trồng rau sạch các loại có tiếng ở Hậu Giang. Đây là mô hình chuyên canh về trồng hoa màu giảm nghèo bền vững mà theo đánh giá của lãnh đạo địa phương là rất phù hợp điều kiện tự nhiên cũng như tập quán và trình độ canh tác của người dân địa phương. Trên một công đất (1000m2) trồng màu các loại: Cải xanh, ớt, rau muống, dưa leo, bầu, bí, khổ qua, cà…trung bình 1 tháng cho thu nhập khoảng 3 triệu đồng, so với lúa cao hơn gấp nhiều lần và có thu hoạch ổn định quanh năm.
Mô hình trồng rau sạch đã đuọc quy hoạch thành vùng chuyên canh ở thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang
Ông Dương Văn On ở ấp Hòa Bình, thị trấn Kinh Cùng là một trong những hộ nhờ trồng rau mà phất lên khá giả, mới xây một căn nhà rộng 100m2, thật bề thế khang trang, với đầy đủ tiện nghi đắt tiền. Ông On cho biết gia đình ông đã theo mô hình trồng rau + trồng lúa + nuôi cá từ 6 năm nay. Gia đình ông có tổng cộng 7 công đất, ngoài ra ông còn mướn thêm 5 công nữa để canh tác theo mô hình kể trên, nhưng chủ yếu là trồng màu.
Cùng với mô hình nuôi cá loại cá nước ngọt, mô hình trồng rau sạch đã thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều hộ nông dân đổi đời
Hiện ông trồng cải, rau nhút, rau muống theo mô hình rau sạch (dùng phân vi sinh) trên diện tích 2 công đất (2000m2); nuôi cá thát lát cườm trên 2000m2 mặt nước, số diện tích còn lại trồng xen canh giữa lúa + hoa màu. Theo ông On, nếu điều kiện đất đai cho phép, thì nên theo mô hình trồng màu + 1 lúa + cá thì sẽ tránh được rủi ro, đem lại hiệu qủa kinh tế cao, không chỉ nhanh chóng thoát nghèo bền vững, mà còn vươn lên làm giàu.