Thực tế, hàng năm các địa phương trên địa bàn đều tuyên truyền, thông báo về việc cấm đánh bắt bằng xung điện, chất nổ… để nhân dân được biết. Ngành chức năng cũng có bắt, tịch thu, xử phạt hành chính nhiều trường hợp, thế nhưng nhiều người dân vì cuộc sống mưu sinh vẫn bất chấp sử dụng xung điện để đánh bắt cá.
Tài nguyên thủy sản sẽ cạn kiệt, những giống loài quý hiếm sẽ bị tiêu diệt và môi trường sinh thái sẽ biến đổi theo. Đây là hệ lụy tất yếu nếu ngành chức năng, các địa phương không ngăn chặn triệt để tình trạng đánh bắt cá bằng xung điện rất nguy hại này.
Việc đánh bắt cá bằng kích rất đơn giản, chỉ cần thọc hai cây sào xuống nước là nguồn điện từ dòng điện dẫn theo. Trúng điện, cá, tôm nhao loạn lên rồi lịm đi. Người dùng kích chỉ việc dùng vợt hoặc dùng tay bắt là xong… Ngoài ra, còn rất nhiều người dân vô tư dùng điện sinh hoạt kéo ra để đánh bắt, biết là nguy hiểm nhưng vì mục đích kiếm thêm thức ăn để cải thiện bữa ăn gia đình mà không biết được sự nguy hiểm đang rình rập ngay trước mắt.
Theo các ngành chức năng, việc dùng điện bắt cá gây ra nhiều nguy hại. Bởi nước và đất là những môi trường rất dễ dẫn điện. Nên khi nguồn điện hở, cơ thể con người dễ bị nguồn điện phóng gây đột quỵ, suy tim… Nếu không được phát hiện kịp thời, tử vong rất dễ xảy ra.
Đặc biệt trong lúc đánh bắt cá, người bắt đang chú tâm vào việc đánh bắt cá mà quên đi việc quan sát những thứ xung quanh. Chưa kể, khi dòng điện phóng xuống nước thì tất cả các loài thủy sinh có lợi đều bị tiêu diệt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái. Đánh bắt thủy sản bằng xung điện không phải là vấn đề mới mà đã diễn ra từ nhiều năm nay dù pháp luật đã có quy định rõ ràng.
Tại khoản 7, Điều 7, Luật Thủy sản năm 2017 quy định nghiêm cấm các hành vi “sử dụng chất, hóa chất cấm, chất độc, chất nổ, xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính chất hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản”. Như vậy, việc sử dụng kích điện hoặc dòng điện để khai thác thủy sản là hành vi trái pháp luật, đã bị pháp luật nghiêm cấm và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Cá được đánh bắt bằng lưới thay vì kích điện nguy hiểm
Tại Điều 28, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, ngày 16/5/2019 của Chính phủ quy định:
1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng công cụ kích điện để khai thác thủy sản, đối với trường hợp không sử dụng tàu cá.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán công cụ kích điện để khai thác thủy sản;...
4. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dòng điện (điện lưới) để khai thác thủy sản mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như: Tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ, tước quyền sử dụng Giấy phép khai thác thủy sản từ 03 tháng đến 06 tháng.
Đối với hành vi “Sử dụng chất độc, chất nổ, hóa chất, dòng điện hoặc phương tiện, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản hoặc làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản” có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản” theo quy định tại Điều 242 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017) khi thuộc một trong các trường hợp: “Gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc thủy sản thu được trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”.
Căn cứ tính chất và mức độ vi phạm, người phạm tội này có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến mức cao nhất là 10 năm tù. Mặt khác, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Cá bắt bằng xung điện sẽ chết hàng loạt
Thủy sản là nguồn thực phẩm vô cùng quý giá và dồi dào đối với con người. Nhiều người coi nghề khai thác thủy sản như nghề chính mưu sinh, với các hình thức đánh bắt phổ biến như: giăng câu, thả lưới, đặt lọp, cào, đặt dớn, đặt đáy,… Sản lượng khai thác hàng năm từ vài trăm đến hàng nghìn tấn.
Tuy nhiên, nguồn lợi thủy sản ngày một mất dần về số lượng và thành phần loài. Nguyên nhân là do ô nhiễm môi trường nước; người dân khai thác quá mức, chưa đi đôi với việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đặc biệt là tình trạng người dân sử dụng xung điện để khai thác thủy sản tại các sông, hồ, kênh, rạch, đồng ruộng…ngày càng phổ biến.
Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, mất cân bằng hệ sinh thái và dẫn đến nhiều hệ lụy.