Dưới đây Tép Bạc sẽ kể ra một số hệ lụy cũng như biện pháp giải quyết hiện trạng thừa thức ăn cho tôm cho bà con cùng tham khảo nhé!
Lưu ý khi cho tôm ăn
Khi cho tôm ăn bà con cần lưu ý một số sai lầm sau:
Cho tôm ăn quá nhiều (hoặc quá ít)
Đây là sai lầm phổ biến nhất, nhiều người nuôi mong muốn tôm tăng trọng lượng một cách nhanh chóng nhờ cho ăn nhiều, nhưng điều này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Việc cho tôm ăn quá nhiều sẽ dẫn đến dư thừa thức ăn, gây ô nhiễm môi trường ao nuôi, làm giảm hàm lượng oxy hòa tan trong nước, ảnh hưởng đến sức khỏe tôm.
Ngược lại, cho tôm ăn quá ít sẽ không đủ dinh dưỡng cho tôm phát triển, tôm chậm lớn, kích thước không đồng đều, dễ mắc bệnh và đặc biệt kéo dài thời gian nuôi. Khi tôm lột, tỷ lệ hao hụt cao vì đàn tôm đói, những con tôm lột yếu sẽ có khuynh hướng bị tấn công bởi những con khỏe hơn.
Nhá tôm dùng để ước tính lượng thức ăn cần cho tôm ăn mỗi ngày. Ảnh: danviet.mediacdn.vn
Cho tôm ăn không đúng thời gian
Thời gian cho tôm ăn cũng rất quan trọng, vì nó ảnh hưởng đến hiệu suất tiêu hóa và hấp thu của tôm. Người nuôi cần chia nhỏ lượng thức ăn thành nhiều lần trong ngày. Thời điểm cho ăn tốt nhất là vào buổi sáng sớm và buổi chiều muộn, khi nhiệt độ và ánh sáng vừa phải.
Lúc trời mưa lớn nên tránh cho ăn vì sẽ xảy ra hiện tượng dao động nhiệt độ và độ mặn ảnh hưởng đến khả năng bắt mồi của tôm.
Phân bố lượng thức ăn không đồng đều
Người nuôi cần chú ý nên rải thức ăn đều khắp ao, nếu diện tích ao nuôi lớn, có thể sử dụng các thiết bị như máy cho ăn tự động, máy quay thức ăn, máy phun thức ăn để cho tôm ăn hiệu quả hơn.
Ngoài ra, cũng nên tránh rải thức ăn vào nơi nước chảy yếu, nơi có nền đáy ao không được sạch.
Chọn thức ăn không phù hợp
Thức ăn cho tôm được sản xuất theo từng kích cỡ phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm. Người nuôi cần phải tìm hiểu và nắm rõ các loại thức ăn phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm.
Bên cạnh đó, nên ưu tiên chọn các loại thức ăn chất lượng từ các nhà cung cấp uy tính, đảm bảo sức khỏe cho đàn tôm.
Hệ lụy và cách xử lý khi cho tôm ăn thừa thức ăn
Khi cho tôm ăn thừa có thể thúc đẩy tôm tăng trưởng trong thời kỳ tôm đang còn ở giai đoạn sinh trưởng mạnh, khi chất lượng nước vẫn còn tốt. Tuy nhiên, khi tôm không sử dụng hết lượng thức ăn thì thức ăn thừa tích tụ ở đáy ao là nguyên nhân gây bùng phát khí độc, đặc biệt khi mà hàm lượng oxy hòa tan giảm hoặc khi tảo phát triển quá mức trong ao.
Để hạn chế thức ăn dư thừa trong ao nuôi theo hình thức công nghiệp, người nuôi cần tính toán chính xác tỷ lệ sống của tôm nhằm điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp. Chọn loại thức ăn chất lượng tốt, độ tan rã trong nước ít và sử dụng hợp lý, tránh thừa thức ăn.
Cho ăn đúng kỹ thuật, đúng và đủ số lượng, chất lượng. Ngoài ra, người nuôi cần tuân thủ việc thực hành nghề nuôi đảm bảo an toàn và khoa học mới có thể giúp ao nuôi phát triển hiệu quả, mang lại năng suất và thành công cho vụ nuôi.
Đặc biệt từ tháng thứ hai trở đi, lượng bùn đáy chất thải trong ao bắt đầu tăng nhanh do lượng thức ăn tăng. Vì vậy việc quản lý chất thải bùn dáy chính là quản lý tốt thức ăn và chất lượng nước.
Người nuôi cần tuân thủ việc thực hành nghề nuôi đảm bảo an toàn và khoa học. Ảnh: nongnghiep.vn
Tôm là loài ăn chậm nên thỏa mãn việc cho tôm ăn là khó và có lẽ không thể đạt được. Một số nhà sản xuất cho tôm ăn dựa theo kinh nghiệm của những vụ nuôi trước. Để tăng hiệu quả việc cho ăn, một số người nuôi tôm cố gắng tính toán hoạt động bắt mồi trong ao.
Đặt các khay cho ăn trong ao và số lượng thức ăn còn lại trong khay 1 giờ, 2 giờ sau khi cho ăn sẽ quyết định lượng thức ăn cho ăn vào ngày tiếp theo nên tăng hay giảm.
Một số công thức tính lượng thức ăn cho người nuôi tham khảo
Lượng thức ăn (kg) = Tổng trọng lượng tôm (kg) * Tỷ lệ (%)
Lượng thức ăn (một lần) = Lượng thức ăn một ngày/ Tổng số lần cho ăn trong ngày
Lượng thức ăn = Nhu cầu năng lượng của tôm (kcal) / Năng lượng của thức ăn (kcal/kg).
Cho tôm ăn đúng cách, lượng ăn thích hợp, lựa chọn thức ăn chất lượng phù hợp từng giai đoạn cũng góp phần quan trọng để vụ nuôi thành công.