Vỡ nợ vì nuôi rắn
Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, đơn vị này đã cấp tổng cộng 1.279 giấy chứng nhận đăng ký gây nuôi động vật hoang dã nhưng đến nay tình trạng các loài như nhím, rắn long thừa (còn gọi là ráo trâu, rắn hổ hèo…) liên tục giảm mạnh. Tính đến thời điểm hiện nay đã có 993 cơ sở ngưng hoạt động. Nguyên nhân khiến hàng loạt các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã “giải nghệ” là do trước đây người dân chạy theo phong trào xin giấy phép xây chuồng trại nuôi các loài như trăn, cá sấu, nhím, rắn long thừa… để bán sang Trung Quốc. Tuy nhiên, những năm gần đây thị trường này không còn tiêu thụ nữa.
Cụ thể, trước đây nếu như nhím giống (khoảng 2 tháng tuổi) có giá từ trên 10 triệu đồng/cặp thì nay chỉ còn khoảng 1 triệu đồng/cặp; rắn ráo trâu 800.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 300.000 đồng/kg nhưng cũng không có đầu ra. Từ thực tế đó, số trang trại nuôi nhím trước đây là 397 trại thì nay chỉ còn 10 trại; rắn long thừa trước đây có 600 trại nay chỉ còn 60. Tất cả hiện chỉ nuôi ở mức cầm chừng, số lượng rất hạn chế.
Anh Nguyễn Công Tận (ngụ ấp Xóm Ruộng, xã Trí Bình, H.Châu Thành) từng được biết đến là một trong những người cung cấp rắn giống có tiếng tại Tây Ninh. Anh Tận cho hay giai đoạn 2012 - 2014, rắn được thương lái thu mua với giá rất cao để bán sang Trung Quốc. Cụ thể, giá rắn bán thịt dao động từ 800.000 đồng - 1 triệu đồng/kg, rắn con từ 150.000 - 200.000 đồng/con, giá trứng khoảng 80.000 - 120.000 đồng/trứng, có thời điểm lên đến 317.000 đồng/trứng vẫn không đủ bán. Tuy nhiên hiện nay trại rắn của gia đình anh cũng phải đóng cửa do giá bán liên tục sụt giảm. Hiện nay giá rắn thịt chỉ còn khoảng 200.000 - 300.000 đồng/kg, trứng rắn từ 70.000 - 80.000 đồng. Nếu trừ chi phí thì lỗ luôn tiền thức ăn.
“Thị trường xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc ngưng thu mua khiến gia đình tôi tồn hàng trăm ký rắn giống, bán rẻ cũng chẳng ai mua, nhiều người thua lỗ nặng phải bỏ đi làm nghề khác”, anh Tận nói.
Rút phép trại nuôi động vật quý hiếm
Theo Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, đối với những cơ sở gây nuôi động vật hoang dã đã ngưng hoạt động, đơn vị này đã lập biên bản, tạm thời rút giấy phép để tiện việc quản lý; còn đối với những cơ sở đang hoạt động (hiện toàn tỉnh chỉ còn 286 cơ sở), tỉnh tiếp tục rà soát, cho đăng ký lại, đồng thời loại bỏ danh mục, rút giấy phép đối với những trường hợp gây nuôi động vật quý hiếm, nguy cấp thuộc danh mục được ưu tiên bảo vệ (cấm nuôi thương mại) theo Nghị định 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ như tê tê, gấu... đồng thời vận động các chủ cơ sở gây nuôi các loài động vật này giao nộp cho các Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã nuôi dưỡng.
Ông Mang Văn Thới cũng cho biết thêm hiện trên địa bàn tỉnh không còn cơ sở nuôi tê tê, chỉ còn tồn tại 2 cá thể gấu (thuộc danh mục cấm nuôi nhốt theo nghị định 160) đang nuôi nhốt tại 2 hộ gia đình và cả 2 hộ đều muốn bàn giao lại cho các Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã theo quy định của pháp luật.
Trước nguy cơ một số loài động vật hoang dã bị tận diệt, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Tây Ninh đã có văn bản kiến nghị Cục Kiểm lâm (thuộc Tổng cục Lâm nghiệp VN) tham mưu Bộ NN-PTNT ban hành các quy định, hướng dẫn cụ thể việc nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, mua bán các loài động vật hoang dã; đồng thời bổ sung loài ốc núi Bà Đen, le le và các loài chim cu rừng khác (là những loài có nhiều ở Tây Ninh) vào danh mục động vật hoang dã thông thường để ngành chức năng có căn cứ quản lý, ngăn chặn việc khai thác tận diệt các loài động vật này.