Thành lập năm 2013, Tép Bạc khởi đầu là một trang điện tử chuyên cung cấp thông tin nuôi tôm hiệu quả. Tới năm 2022, công ty phát triển thêm các dịch vụ cung cấp phần mềm, thiết bị nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là trong nuôi tôm.
Năm ngoái, Tép Bạc huy động được 2,3 triệu USD (hơn 58 tỷ đồng) từ ba nhà đầu tư là Aqua Spark, AgFunder, Son Tech.
Đến nay, công ty đã xây dựng được một hệ sinh thái đầy đủ cho trang trại nuôi tôm, bao gồm nền tảng quản lý trại nuôi từ xa, các thiết bị tự động hóa trong nuôi thủy sản như: máy đo môi trường, máy cho ăn và tủ điều khiển.
Thống kê gần đây cho thấy, Tép Bạc đang phục vụ 5.000 ao nuôi, với 7.000 người sử dụng là chủ các trang trại nuôi tôm. Doanh thu năm ngoái của startup này ước tính hơn 10 tỷ đồng, với 90% doanh số ở khu vực phía Nam.
Nhà sáng lập Tép Bạc - ông Trần Duy Phong sinh trưởng trong gia đình có hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi tôm ở Bạc Liêu.
Ông Phong cho biết, những người nuôi tôm chủ yếu dựa vào thói quen, nên điều này rất rủi ro, vì đây là ngành đầu tư lớn lại phụ thuộc vào thời tiết.
"Mong muốn của Tép Bạc là ứng dụng công nghệ thông tin vào việc nuôi tôm để giúp người nông dân giảm thiểu thiệt hại đồng thời tăng năng suất so với cách thức truyền thống", nhà sáng lập này nói.
Gần đây, Tép Bạc đã tiếp tục đưa ra thị trường sản phẩm máy cho tôm ăn tự động Farmext Feeder F7 do chính Công ty thiết kế và gia công sản xuất để phù hợp với thị trường, điều kiện thời tiết ở Việt Nam.
Phiên bản máy cho tôm ăn tự động mới nhất tích hợp nhiều tính năng vượt trội so với thị trường
Có 4 tính năng nổi bật được tích hợp trong Feeder F7 là điều khiển từ xa, phun thức ăn thông minh, báo cáo trực quan và cảnh báo hết thức ăn. Công ty cho biết, điểm cập nhật lớn so với đa phần máy cho ăn trên thị trường là tích hợp điều khiển từ xa.
So với bảng điều khiển chỉ có vài nút cơ bản, thông qua ứng dụng di động, giao diện phần mềm sẽ cung cấp cho người sử dụng nhiều thông tin như: số lượng thức ăn có trong máy, dự đoán hết thức ăn, cảnh báo hết thức ăn, đã sử dụng bao nhiêu thức ăn, điều chỉnh hoạt động máy...
Bên cạnh đó, thao tác cho ăn mỗi ngày bao gồm liều lượng, ngày giờ đều được hệ thống lưu lại để hỗ trợ việc quản lý dễ dàng và giảm thiểu sai sót hơn 90% so với cách cho ăn truyền thống.
Điểm cải tiến tiếp theo của dòng Farmext Feeder F7 là tích hợp hai động cơ giúp tuỳ chỉnh tốc độ phun và bán kính phun, nhằm phục vụ các ao nuôi có diện tích khác nhau.
Qua thử nghiệm trước khi đưa ra thị trường, máy đã cải thiện tình trạng rơi thức ăn tại chân máy với tỉ lệ 98%, giúp tiết kiệm thức ăn và giảm ô nhiễm môi trường nước.
Máy cho ăn Farmext Feeder F7 được sử dụng thực tế tại một ao nuôi ở Cà Mau
Thực tế, chiến lược đầu tư vào các công nghệ mới đã được Tép Bạc lên kế hoạch từ khi bắt đầu vòng gọi vốn mới có quy mô lên tới 10 - 20 triệu USD.
Cụ thể, Tép Bạc đang tạo ra mô hình đầu tư công nghệ nuôi tôm kiểu mẫu cho các chủ nuôi tham khảo. Ước tính chi phí đầu tư chỉ chiếm khoảng 50% doanh thu bán tôm, thấp hơn khoảng 20% so với hình thức thông thường với thời gian xây dựng tương đương.
Ngoài ra, startup này còn muốn lập sàn thương mại điện tử B2B, kết nối các nhà cung cấp vật tư nông nghiệp với chủ nuôi tôm. Công ty đóng vai trò kết nối và xây dựng hạ tầng giao nhận.