Tại xã An Thạnh Ba, huyện Cù Lao Dung, Dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá bông lau trong ao đất”, do Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Trường Cao đẳng kinh tế - kỹ thuật Cần Thơ thực hiện đã triển khai thí điểm tại 3 hộ dân, thả nuôi theo mật độ 2 con/m2 và 1 con/m2. Ao nuôi của hộ anh Lâm Thành Lâm ở ấp An Quới, xã An Thạnh Ba, một trong 3 điểm triển khai của dự án đã thả nuôi 4.000 con giống trong ao nuôi, với diện tích 2.000 m2. Ao nuôi có trang bị quạt nước tạo dòng chảy và đảm bảo lượng oxy.
Nguồn con giống nhân tạo được cung cấp từ Trung tâm quốc gia giống thuỷ sản nước ngọt Nam bộ, huyện Cái Bè tỉnh Tiền Giang. Con giống được thả nuôi từ cuối tháng 1/2018, kích cỡ dài từ 8 -10cm, sau 11 tháng nuôi, kiểm tra thực tế tại ao, cá đã đạt trọng lượng phổ biến từ 1kg đến 1,2kg/con. Một số ít đạt trọng lượng 1,4 ký đến 1,5 kg/con.
Tại buổi hội thảo đánh giá hiệu quả mô hình, các cán bộ dự án và bà con nông dân ở 2 xã An Thạnh Ba và An Thạnh Nam huyện Cù Lao Dung, đã trao đổi làm rõ tính hiệu quả của mô hình, chia sẻ kỹ thuật chăm sóc khi nuôi cá bông lau trong ao đất. Theo đó, kết quả nổi bật là cá nuôi có tỉ lệ hao hụt ít, dễ chăm sóc, tăng trọng nhanh, giá tiêu thụ trên thị trường đảm bảo hộ nuôi có lãi. Anh Lâm Thành Lâm, ấp An Quới, xã An Thạnh Ba, huyện Cù Lao Dung, cho biết: “Qua kết quả nuôi, tôi thấy loài này dễ chăm sóc, chí phí thức ăn và chi phí khác cho mỗi kg khoảng 60.000đ, giá bán trên thị trường giao động từ 80.000 đến 120.000 thì mỗi kg thu lời từ 20.000 đến 30.000 đồng/kg”.
Ao nuôi cá được trang bị quạt nước tạo dòng chảy và đảm bảo lượng oxy.
Điểm đáng chú ý là trong 7 tháng đầu thả nuôi, nước trong ao có độ mặn từ 2 đến 8 phần ngàn. Đây là điểm khác biệt về môi trường tự nhiên ở An Thanh Ba so với các vùng sinh thái khác, rất phù hợp với đặc tính sinh trưởng của cá bông lau. Tiến sĩ Nguyễn Quang Trung, Giảng viên Trường cao đẳng kinh tế-kỹ thuật Cần Thơ, Chủ nhiệm dự án cho biết: “Chúng tôi cũng có triển khai mô hình tại huyện Kế Sách toàn nước ngọt thì thấy, tại An Thạnh ba, 2/3 thời gian nuôi là nước lợ thì cá bông lau sinh trưởng tốt, tăng trọng nhanh”.
So với các giống loài thủy sản khác đã từng nuôi ở xã An Thạnh Ba, cá bông lau nuôi trong ao đất được các hộ tham gia mô hình thí điểm đánh giá có triển vọng về hiệu quả kinh tế. Ông Trần Thanh Nhã, ấp An Quới, xã An Thạnh Ba, huyện Cù Lao Dung, hộ tham gia mô hình, nói: “Cá này nuôi 11 tháng thì vô kg, chi phí nuôi khoảng 70.000đ, giá thị trường tiêu thụ khoảng 100 ngàn thì thu lãi mỗi ký 30 ngàn, so cá tra, cá lóc thì nó khá hơn”.
Mô hình nuôi cá bông lau trong ao đất giúp đa dạng giống loài trong nuôi trồng thủy sản của huyện Cù Lao Dung.
Năm 2018, nông dân Cù Lao Dung đã tăng diện tích nuôi thủy sản lên 3.500 ha; trong đó nuôi tôm 2.750 ha, nuôi các loài thủy sản khác 750 ha. Việc đa dạng giống loài thủy sản phù hợp điều kiện sinh thái, cho hiệu quả kinh tế đang được huyện rất quan tâm. Ông Đồ Văn Thừa, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cù Lao Dung, cho biết: “Việc thí điểm mô hình nuôi cá bông lau trong ao đất, giúp huyện có thêm lựa chọn về giống loài thủy sản cho nông dân phát triển sản xuất, phù hợp sinh thái vùng”.
Theo bà con nông dân, do là loại cá ngon nên thị trường tiêu thụ cá bông lau rất dễ dàng. Tuy nhiên, sức tiêu thụ chưa lớn, thương lái thu mua nhỏ lẻ, giá bán chưa ổn định, khả năng cho lãi nhưng chưa cao chính là những yếu tố bất lợi ảnh hưởng đến mô hình nuôi cá bông lau trong ao đất ở Cù Lao Dung.