Toàn xã Quách Phẩm Bắc có 16 chi đoàn, trong đó có 9 chi đoàn thực hiện mô hình tổ hùn vốn xoay vòng, thu hút hơn 135 tổ viên là đoàn viên tham gia. Mỗi tổ có số lượng tổ viên khác nhau, tổ cao nhất là 24 người, thấp nhất là 10 người.
Tuỳ theo quy ước riêng mà các tổ viên thống nhất đưa ra số tiền hùn vốn, trung bình từ 50.000-100.000 đồng/người/tháng.
Hằng tháng, mỗi tổ sẽ tổ chức bốc thăm, sẽ có một tổ viên trong tổ được nhận vốn để sử dụng. Những tổ viên bốc thăm được vốn, nếu không có nhu cầu sử dụng sẽ nhường lại cho những tổ viên khác có hoàn cảnh khó khăn hơn, hay có nhu cầu nguồn vốn bức xúc hơn.
Mỗi người nhận được vốn sẽ trích lại 50.000 đồng để vào quỹ của tổ, nhằm mục đích mua quà vào các ngày lễ, hoặc thăm gia đình các hội viên lúc đau ốm.
Chị Đặng Nhân Ái, Bí thư Xã đoàn Quách Phẩm Bắc, cho biết, đa số đoàn viên địa phương không có việc làm ổn định. Phần lớn đi cân tôm, cân cua, đi làm thuê, làm ăn xa… nên khó khăn trong việc tập hợp đoàn viên. Mô hình tổ hùn vốn là điều kiện để đoàn viên thường xuyên gặp gỡ, trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong cuộc sống. Nhờ đó hoạt động Đoàn sôi nổi hơn.
Tổ hùn vốn xoay vòng có hiệu quả nhất của xã là tổ ấp Bến Bàu, với 16 tổ viên. Số vốn mỗi tháng cho tổ viên mượn 1,6 triệu đồng/người và đang có dự định sẽ tăng lên 3,2 triệu đồng/người. Tổng số vốn lưu động của các thành viên trong tổ hiện nay trên 55 triệu đồng. Số tiền các tổ viên mượn được chủ yếu dùng mua tôm giống thả nuôi quảng canh cải tiến.
Anh Trần Minh Đạt, tổ viên tổ hùn vốn ấp Bến Bàu, chia sẻ: “Tuy số tiền vốn không nhiều, nhưng cũng đủ giúp tôi phần nào trong việc mua giống tôm để nuôi quảng canh cải tiến. Đến nay, lợi ích của mô hình này thu hút nhiều đoàn viên đăng ký tham gia vào tổ. Riêng bản thân tôi, nhờ số vốn trên để thả giống, nên sau vài tháng nuôi thu nhập cũng đáng kể”.
Được biết, mỗi đợt nuôi tôm từ 4-5 tháng, anh Đạt có lãi hơn 50 triệu đồng. Chính sự nhiệt tình trong công tác Đoàn và làm ăn có hiệu quả, anh Trần Minh Đạt vừa được UBND tỉnh tặng bằng khen với thành tích đoàn viên, thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi.
Cũng nhờ mô hình trên mà nhiều đoàn viên được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi tôm quảng canh cải tiến, nhiều lớp học hướng dẫn tạo công ăn việc làm cho đoàn viên, thanh niên ở địa phương.
Bí thư Xã đoàn Quách Phẩm Bắc Đặng Nhân Ái cho biết, nhìn chung, tổ hùn vốn ấp Bến Bàu hoạt động nổi trội hơn so với các tổ khác. Đời sống đoàn viên khó khăn nên họ có ý thức vươn lên thoát nghèo. Tuy là số vốn nhỏ, nhưng nếu sử dụng hợp lý và đúng mục đích thì hiệu quả mang lại rất lớn.
Tổ hùn vốn là điều kiện để tập hợp đội ngũ thanh niên, giúp họ nhận thức được mô hình có ích cho bản thân, mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình. Chị Ái cho biết thêm, từ nay đến hết năm 2014, nhằm thực hiện tốt quỹ phát triển kinh tế, Xã đoàn chỉ đạo hầu hết các ấp phải thành lập tổ hùn vốn xoay vòng.
Trước mắt, Xã đoàn chuẩn bị vận động thành lập tổ hùn vốn cho thanh niên dân tộc ấp Nhà Cũ, kịp thời tạo điều kiện cho các thanh niên dân tộc có vốn để làm ăn. Để nâng cao chất lượng mô hình, các tổ cần tạo nguồn vốn lớn hơn, bố trí số lượng hội viên cho phù hợp để tránh khó khăn cho việc xoay vòng vốn./.