Năm 2012, Trung tâm Ứng dụng khoa học - công nghệ Cà Mau thực nghiệm mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao tại ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, do các kỹ sư của trung tâm đảm trách kỹ thuật.
Hiệu quả khả quan
Gia đình ông Nguyễn Minh Tuấn, ấp Tân Long, xã Tân Duyệt thả 40.000 con sú giống trên diện tích 1.800 m2, mật độ 6 con/m2. Sau hơn 4 tháng nuôi, tôm đạt kích cỡ 23 con/kg. Dự kiến sẽ cho thu hoạch 450 kg tôm thương phẩm, sau khi trừ chi phí lãi hơn 60 triệu đồng.
Ông Lâm Thanh Dũng với diện tích 12.000 m2, thả 42.000 con sú giống, mật độ 4 con/m2, sau gần 5 tháng thả nuôi, tôm đạt 24 con/kg, dự kiến sẽ cho thu hoạch 450 kg tôm thương phẩm. Ngoài ra, ông còn thả nuôi xen canh 1.000 con cua giống, sau khi trừ chi phí lãi hơn 100 triệu đồng.
Đây là 2 trong 56 thành viên của Hợp tác xã Đoàn Kết ấp Tân Long, xã Tân Duyệt nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao đạt hiệu quả cao trong năm 2012.
Ông Nguyễn Minh Tuấn cho biết, trước đây gia đình ông nuôi quảng canh truyền thống, tính ra 1 con nước xổ 3-4 đêm, thu 3-4 triệu đồng. Còn hiện nay, nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến năng suất cao, thả nuôi sau 4 tháng cho thu hoạch, mỗi con nước thu từ 12-13 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với trước đây.
“Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao rất dễ nuôi, mọi người đều thực hiện được, nhất là việc quản lý, chăm sóc tôm chặt chẽ, người nuôi có thể theo dõi sự phát triển của tôm.
Mặt khác, với mô hình này, người nuôi có thể đặt lú tỉa thưa theo từng con nước, năng suất đạt khá cao, từ 400-450 kg/ha”, ông Lâm Thanh Dũng, Chủ nhiệm Hợp tác xã ấp Tân Long, xã Tân Duyệt, cho biết.
Sức hút từ mô hình
Hợp tác xã nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao Đoàn Kết, ấp Tân Long, xã Tân Duyệt ra đời vào tháng 8/2010, có 24 xã viên, với diện tích sản xuất hơn 42 ha. Đến cuối năm 2012 lên đến 56 tổ viên, diện tích 123 ha. Với 3 loài nuôi chính là tôm công nghiệp 24 ha, tôm quảng canh cải tiến năng suất cao 24 ha, tôm quảng canh truyền thống 71 ha.
Trong 3 mô hình nuôi trong năm 2012 của hợp tác xã, mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến đạt hiệu quả cao và có tính bền vững nhất, bình quân năng suất đạt từ 400-450 kg/ha/vụ.
Mô hình mỗi năm nuôi 2 vụ tôm, cua kết hợp, được các tổ viên thực hiện khá đồng bộ từ khâu cải tạo, thả giống đến thu hoạch. Nhờ ứng dụng tốt tiến bộ khoa học - kỹ thuật nên tôm, cua đạt năng suất, sản lượng khá cao. Năm 2012, doanh thu của hợp tác xã hơn 8,8 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lãi hơn 4,2 tỷ đồng .
Khi vào hợp tác xã sẽ tạo điều kiện cho nông dân dễ học tập, trao đổi kinh nghiệm và bảo vệ môi trường sinh thái, hạn chế dịch bệnh thông qua cộng đồng. Đặc biệt, được sự quan tâm của Nhà nước trong việc đầu tư các dự án chuyển giao khoa học - kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, vốn…
Thành công của hợp tác xã là tiền đề quan trọng để xã Tân Duyệt nhân rộng, phát triển mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao, tôm công nghiệp trong năm 2013.
Tuy nhiên, để hợp tác xã phát triển bền vững, ngoài sự nỗ lực vươn lên của Ban Chủ nhiệm, xã viên cần sự quan tâm của các ngành, các cấp. Ông Lâm Thanh Dũng, Chủ nhiệm hợp tác xã đề xuất: Khó khăn của hợp tác xã hiện nay là đồng vốn phục vụ cho bà con sản xuất; ngành điện nên áp giá điện và kéo điện 3 pha để người dân giảm chi phí sản xuất.
Năm 2013, huyện Đầm Dơi phấn đấu khai thác thuỷ sản đạt 91.000 tấn và mở rộng diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến lên 11.000 ha. Để đạt được chỉ tiêu này, việc xây dựng, phát triển các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác là việc làm cần thiết.