Qua tìm hiểu được biết, khi áp dụng mô hình trên, bà con sẽ giảm thiểu được rủi ro, nâng cao giá trị con tôm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Thực ra, quy trình nuôi tôm hai giai đoạn được bà con trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên áp dụng từ nhiều năm trước đối với tôm sú nuôi ở ao đất, nhưng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Những năm gần đây, phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn huyện ngày càng phát triển thì giải pháp kỹ thuật này được phát triển ở mức cao hơn. Qua đó, rút ngắn thời gian nuôi, nâng cao mật độ, năng suất, sản lượng, giảm thiểu rủi ro và chi phí.
Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên Tăng Thanh Chí thông tin: “Hiện nay, tổng diện tích nuôi tôm trên địa bàn huyện là 17.700ha, dự kiến theo kế hoạch nuôi 8.000ha tôm thẻ chân trắng, 9.000ha tôm sú và trên 12,64ha nuôi theo hình thức siêu thâm canh nhưng cần khoảng 83,2ha để phục vụ diện tích mặt nước nuôi. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh hai giai đoạn đang được một số người dân trên địa bàn huyện áp dụng và bước đầu cho năng suất, chất lượng và hiệu quả vượt trội so với quy trình sản xuất cũ”.
Cũng theo đồng chí Tăng Thanh Chí, thực chất của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh hai giai đoạn là đầu tư kín. Nhờ áp dụng công nghệ vi sinh mà nuôi tôm theo quy trình này cách ly được môi trường dịch bệnh, nuôi với mật độ dầy hơn, quản lý tốt được thức ăn và môi trường nuôi. Vì vậy, sẽ giúp nâng cao tỷ lệ tôm sống, tạo điều kiện tăng năng suất, sản lượng trên một đơn vị diện tích và đặc biệt là thuận lợi cho việc xử lý chất thải trong vụ nuôi, chi phí đầu tư trong quá trình nuôi thấp.
Đối với mô hình nuôi tôm hai giai đoạn cần ít nhất 1 ao ương tôm giai đoạn còn nhỏ, 1 ao nuôi chính và cần 3 ao (ao lắng, ao xử lý và ao sẵn sàng để xử lý nước trước khi đưa qua ao nuôi chính). Với quy trình này, tôm nuôi sẽ được nuôi thành hai giai đoạn, trong giai đoạn đầu, tôm được nuôi trong ao ương khoảng 20 ngày đến 30 ngày nhằm tránh tác động của thời tiết và các yếu tố khác từ bên ngoài. Nhờ quản lý được nguồn gốc tôm giống, thức ăn, chế phẩm sinh học nên tôm giống được thả với mật độ khoảng 1.000 đến 3.000 con/m2. Lúc này, môi trường ao nuôi được kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh nên tỷ lệ tôm sống cao, ít dịch bệnh, tôm phát triển khỏe mạnh. Sau thời gian nuôi trong ao ương tôm có sức đề kháng cao, không ảnh hưởng của dịch bệnh, sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn 2 nuôi thương phẩm ở ao lớn, trung bình thời gian nuôi từ 60 ngày đến 90 ngày.
Được thành lập năm 2017, Hợp tác xã tôm sạch Hòa Tú 2 có 20 thành viên tham gia, với diện tích nuôi 50ha tôm thẻ chân trắng. Hiện nay, hợp tác xã có 7 xã viên đang áp dụng nuôi tôm thẻ theo quy trình siêu thâm canh hai giai đoạn để sản xuất sản phẩm theo hướng an toàn thực phẩm. Ông Trần Anh Tuyến - Phó Giám đốc Hợp tác xã Tôm sạch Hòa Tú 2 khẳng định: “Ưu điểm nổi bật của quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh hai giai đoạn là tôm đạt an toàn vệ sinh thực phẩm do không sử dụng kháng sinh, hóa chất nên môi trường nuôi an toàn, ổn định; khống chế và trị bệnh hoàn toàn bằng vi sinh, chế phẩm sinh học; giảm được rủi ro, tăng năng suất, tăng chất lượng nên người nuôi tôm luôn luôn có lợi nhuận cao”.
Trước đây, anh Tăng Việt Hòa nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất nên rủi ro rất lớn. Sau khi là thành viên của Hợp tác xã Tôm sạch Hòa Tú 2, anh Hòa đã mạnh dạn chuyển 2 ao (1.300m2) sang quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh hai giai đoạn. Từ nguồn vốn của gia đình và vay mượn thêm, anh Hòa đã đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật hoàn chỉnh, có hệ thống điện 3 pha, máy phát điện dự phòng, hệ thống quạt, ôxy đáy, hệ thống xiphong, nhà kính, nhà lưới, ao xử lý ao ương, ao nuôi lót bạt đáy và bờ… tổng nguồn vốn đầu tư ban đầu cho 2 ao là 800 triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi, anh Hòa chân tình cho biết: “Nuôi theo quy trình này thì nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn, song hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nuôi trong ao đất. Tôi nuôi khoảng 90 ngày cho thu hoạch, năng suất, sản lượng đều cao, giảm thiểu rủi ro và chi phí trong quá trình nuôi. Đặc biệt, kiểm soát được môi trường nuôi đến 90% và quá trình nuôi không sử dụng kháng sinh chỉ sử dụng chế phẩm sinh học, chất lượng tôm được kiểm soát chặt chẽ nên đầu ra thuận lợi, giá bán cao hơn so với tôm nuôi trong ao đất. Nếu thu hết 2 ao, năng suất ước tính đạt khoảng trên 4 tấn tôm. Với năng suất như vậy, thời gian tới, tôi sẽ mở rộng thêm diện tích nuôi theo quy trình này”.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Tăng Thanh Chí cho biết thêm: “Mặc dù lợi nhuận cao nhưng nuôi theo quy trình này cũng gặp một số khó khăn nhất định về chi phí đầu tư ban đầu cao hơn nhiều so với nuôi ao đất, hộ nuôi cần có diện tích rộng, có điều kiện cấp thoát nước tốt để xử lý nước thải trước khi xả ra ngoài kênh rạch, hạn chế ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, tùy theo điều kiện, từng vùng nuôi mà bà con có thể áp dụng theo quy trình này cho phù hợp để tạo sản phẩm đạt chất lượng và hướng đến nghề nuôi tôm mang tính bền vững”.
Rõ ràng là trong điều kiện con tôm đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức về tình hình dịch bệnh, thị trường tiêu thụ thì việc áp dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm hai giai đoạn sẽ thích nghi với tình trạng biến đổi khí hậu, tạo ra các sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đó là lựa chọn khả thi đối với bà con nuôi tôm trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung.