Gia đình ông Hoàng Văn Thanh ở thôn Sơn Cao, xã Gia Tường, huyện Nho Quan là hộ đi đầu tại địa phương áp dụng công nghệ cao vào nuôi cá nước ngọt.
Nhờ ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ cao vào nuôi thả cá tại gia đình ông Thanh đã mang lại hiệu quả cao gấp nhiều lần so với cấy lúa
Năm 2015, sau khi địa phương dồn điền đổi thửa, gia đình ông Hoàng Văn Thanh ở thôn Sơn Cao, xã Gia Tường mạnh dạn nhận 5000 mét vuông đất ruộng trũng bạc mầu ven núi cấy lúa kém hiệu quả để cải tạo, quy hoạch vùng nuôi thả cá nước ngọt các loại.
Với 3 ao nuôi là ao xử lý nước, ao ương cá giống và ao nuôi cá thịt. Ban đầu khi nuôi cá theo phương pháp truyền thống lợi nhuận 1 năm 2 lứa cho thu 3 tấn cá đã mang lại hiệu quả cao gấp 3 lần so với cấy lúa.
Đặc biệt, sau khi đi thăm quan học tập kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ cao vào nuôi thả cá và được sự hỗ trợ về kỹ thuật của Hội Nông dân, Liên minh HTX tỉnh, ông Thanh đã mạnh dạn đầu tư trên 300 triệu đồng mua máy sục tạo khí 3 giàn, đã mang lại những ưu điểm vượt trội so với phương thức nuôi cá truyền thống.
Ngoài sử dụng máy sục tạo khí, ông Thanh còn đầu tư mua máy cho cá ăn tự động…. Điểm nổi bật của máy này là máy cho cá ăn theo giờ hẹn sẵn, thức ăn được phun ra đều trong diện tích tròn có bán kính cánh máy từ 4-10m tùy loại. Công nghệ này sẽ hạn chế được những rủi ro về dịch bệnh và sự gia tăng chi phí trong quá trình nuôi, là lời giải cho sản xuất bền vững với chí phí thấp.
Nhờ ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ cao mà hiệu quả mang lại từ mô hình nuôi cá nước ngọt của gia đình ông Thanh tăng gấp 3 so với trước đây. Năm 2016 gia đình ông thu được 3 tấn cá thì đến năm 2018 thu được 6 tấn, năm nay dự kiến thu được trên 8 tấn cá. Doanh thu đạt gần 400 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí thu lãi 150 triệu đồng/năm.
Hiệu quả của việc ứng dụng KHKT, công nghệ cao trong nuôi cá nước ngọt của gia đình ông Hoàng Văn Thanh đã cho thấy khả năng tư duy nhạy bén, sáng tạo trong phát triển kinh tế của gia đình. Mô hình đang là điểm đến cho nhiều hộ nông dân trong và ngoài xã thăm quan, học tập.