Trong lãnh vực sản xuất, hàng chục ngàn hộ nông dân làm ăn nhỏ lẻ sẽ phải từ giã con cá tra từng mang lại cho họ cả niềm vui lẫn ưu phiền.
Tiến thoái lưỡng nan
Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm 2012 đạt 1,8 tỷ USD, tổng diện tích mặt nước nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long được ghi nhận là khoảng 6.500 héc-ta, tức không suy giảm. Trái ngược với sự kiện này, báo chí Việt Nam đưa nhiều thông tin về việc, nông dân bán ao, lấp ao để trở lại cây lúa hoặc cây ăn quả, thậm chí nhiều người sạt nghiệp bỏ xứ trốn nợ. Phần doanh nghiệp chế biến thì những vụ vỡ nợ, tái cơ cấu đổi chủ sở hữu từng là đầu đề của báo chí.
Theo nhận định của ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản được báo chí trích thuật, thì đã có sự thay đổi triệt để, nuôi cá tra không còn là lựa chọn của nông dân mà dành cho những doanh nghiệp, người có tiền.
Ông Nguyễn Tử Cương, ủy viên thường vụ Hội nghề cá Việt Nam một chuyên gia về nuôi trồng thủy sản bền vững nhận định:
“Những cơ sở nuôi không có khả năng phát triển, mắc nợ ngân hàng đã phải bán ao nuôi và doanh nghiệp chế biến đã mua lại. Những doanh nghiệp xuất khẩu, có một xu thế rất mạnh là không dùng tiền để phát triển nhà máy nữa vì nhà máy vượt quá khả năng cung cấp nguyên liệu cũng gặp khó khăn. Cho nên họ tập trung cho nguyên liệu, đầu tư sản xuất con giống, lập trại giống, đầu tư cơ sở sản xuất thức ăn, sau đó nuôi cá và lượng cá này trước tiên để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy của chính họ.”
Cách đây nhiều năm, con cá tra từng mang lại nhiều lợi nhuận cho người nông dân, từ đó nở rộ phong trào nhà nhà đào ao nuôi cá. Với sự phát triển bừa bãi cả về phía người nuôi lẫn nhà xuất khẩu, các thị trường nhập khẩu có cơ hội ép giá khiến cho giá cá tra biến động thất thường, nhiều khi rẻ hơn giá thành. Đó là chưa kể nhiều doanh nghiệp thủy sản vay vốn ưu đãi nông nghiệp đi đầu tư trái ngành, đặc biệt vào bất động sản đã lâm vào tình cảnh vỡ nợ, giật tiền mua cá hoặc nợ tiền mua cá triền miên của nông dân.
Một hộ nuôi cá tra ở Cần Thơ nói với chúng tôi về tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.
Nông dân ĐBSCL đang cho cá ăn trước đây. Photo courtesy agroviet.
“Năm rồi tôi bán gần 300 tấn cá bị lỗ mỗi kg 3.000-4.000đ, lỗ cả tỷ. Nợ ngân hàng đâu trả được, khoanh nợ hết trơn rồi, lỗ vậy đâu có tiền trả cho nó. Chỉ vì nuôi cá mà đất cát cầm cố hết trơn. Khổ lắm nuôi cá ở chỗ tôi mười người lỗ cả mười. Nhà nước nói cho vay mấy ngàn tỷ nhưng công ty còn chẳng vay được nói chi đến mình, bây giờ không có tiền mua cá, ba bốn công ty bị lỗ đang chờ phá sản. Những người từ trước tới giờ trả nợ đàng hoàng nó cũng thu hồi luôn không cho vay mới chứ đừng nói những người nợ xấu…Hôm trước nói hỗ trợ mấy người nuôi cá 9.000 tỉ, nói vậy nhưng chẳng có ai vay được.”
Cần một giải pháp tổng thể
Theo Báo cáo chính thức của Ngân hàng Nhà nước, 9 tháng đầu năm 2012 các ngân hàng đã cho vay liên quan tới cá tra lên tới 38.000 tỷ đồng, các đối tượng vay gồm 282 doanh nghiệp và 5.962 hộ dân. Tuy nhiên theo Tiền Phong Online ngày 18/12/2012, ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phản bác thông tin của Ngân hàng Nhà nước, cho là có sự phù phép để biến nợ xấu vào ngành sản xuất chế biến cá tra. Ông Minh lập luận rằng hộ nuôi cá tra nhỏ lẻ hầu như không vay được vốn, lấy đâu ra con số gần 6.000 hộ nông dân vay được hơn 10.000 tỷ đồng. Vẫn theo người đại diện VASEP, doanh nghiệp chế biến cá tra chỉ khoảng 70 trong đó 30% gần như đã ngưng hoạt động, không hiểu Ngân hàng lấy đâu ra con số 282 doanh nghiệp chế biến cá tra được vay vốn.
Chỉ với hơn 6.500 héc-ta mặt nước mà kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD ngay trong giai đoạn kinh tế khó khăn, nếu so với 1.600.000 ha trồng lúa hai vụ ở đồng bằng sông Cửu Long để đạt kim ngạch xuất khẩu 3,7 tỷ USD, thì quả thật nghề nuôi và xuất khẩu cá tra có vị thế tối ưu. Theo các chuyên gia tình hình đã đến lúc chín muồi để nhà nước phải có một giải pháp tổng thể cho ngành cá tra.
Theo thông tin từ Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), dự kiến trong quí 1/2013, chính phủ sẽ ban hành Nghị định liên quan đến sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra đặt hoạt động này thành một ngành kinh doanh có điều kiện. Ở khâu xuất khẩu, sẽ loại bỏ những doanh nghiệp thương mại thuần túy và chỉ có những doanh nghiệp có nhà máy chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mới được xuất khẩu.
Tham gia công tác dự thảo Nghị định sản xuất, chế biến và xuất khẩu, ông Nguyễn tử Cương, ủy viên thường vụ Hội nghề cá Việt Nam nói rằng, nghề nuôi cá tra sẽ được quản lý từ khâu sản xuất giống, cung cấp thức ăn nuôi cá cho đến ao nuôi và khuyến khích áp dụng tiêu chuẩn nuôi sạch VietGap. Theo ông Nguyễn Tử Cương, dự thảo Nghị định về cá tra cũng tạo một cơ chế để những hộ nuôi nhỏ lẻ muốn duy trì hoạt động. Tuy vậy sẽ có sự sàng lọc rất lớn đối với những nông dân thực sự muốn tiếp tục ao nuôi của mình.
“Những hộ nhỏ lẻ phải cùng nhau tạo thành một chuỗi liên kết đảm bảo cân đối giữa thức ăn, con giống, nuôi và đặc biệt quan trọng là phải tìm được đầu ra. Hiện nay Hội nghề cá có chân rết đến huyện và xã cũng đang tích cực giúp đỡ ngân hàng tìm ra những hộ nuôi, nếu mình hỗ trợ người ta kéo dài thời hạn vay vốn, cho vay thêm vốn mới và có nhiều khả năng tin tưởng rằng họ sẽ trả được nợ ngân hàng, cộng thêm tiếng nói đánh giá khách quan bằng học thuật thì ngân hàng sẽ cho vay.”
Các nhà quản lý, các chuyên gia về phát triển bền vững nuôi thủy sản qua hàng trăm cuộc hội thảo đã kêu gọi tạo sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ cá tra, để có thể kiểm soát chu kỳ giá và sản lượng, truy xuất nguồn gốc, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phát triển bền vững. Tất cả những khuyến cáo này mang tình lý thuyết và để thực hiện là một bước khá xa. Nhất là khi Việt Nam chưa giải quyết được những vấn đề cơ bản nhất như quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, cơ chế chính sách, vấn đề thương hiệu, dự báo thị trường.