Các hộ ngư dân được hỗ trợ lần này ở các xã triệu An (huyện Triệu Phong); Gio Việt (huyện Gio Linh); Vĩnh Giang, Vĩnh Thái, Vĩnh Thạch và thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh), mỗi hộ được nhận 20kg gạo.
Toàn bộ 40 tấn gạo này được Hội Thánh Tin lành Trưởng lão Việt Nam vận động các Việt kiều tại Mỹ và Canada ủng hộ.
Mục sư, tiến sỹ Nguyễn Xuân Bảo, Hội Thánh Tin lành Trưởng lão Việt Nam cho biết thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Trị tổ chức các hoạt động hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường biển sớm ổn định cuộc sống.
Từ khi xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt do ô nhiễm môi trường biển ở các tỉnh khu vực miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng, trong hơn 3 tháng qua đã có nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nhiệp và các hội đoàn thể đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp đỡ ngư dân bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống.
Trong khi đó, trong tháng 8/2016, tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ tiếp tục xuất cấp 2.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ ngư dân theo Quyết định 1138/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Số gạo này được phân bổ cho các địa phương trong tỉnh để hỗ trợ ngư dân với mức 15 kg gạo/người/tháng trong thời gian tối đa 6 tháng. Các đối tượng được hỗ trợ là các nhân khẩu thuộc hộ là chủ tàu, hộ có lao động trên tàu khai thác hải sản ở vùng ven bờ, vùng lộng không lắp máy hoặc lắp máy có công suất dưới 90 CV, hộ gia đình làm nghề muối và hộ gia đình làm dịch vụ hậu cần nghề cá bị ảnh hưởng trực tiếp do hiện tượng hải sản chết hàng loạt.
Chưa kể số gạo vừa nêu trên, đến nay, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tiếp nhận 800 tấn gạo từ Trung ương và 15,5 tỷ đồng để hỗ trợ người dân theo Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Qua rà soát danh sách các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp do hiện tượng thủy hải sản chết bất thường, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tổ chức phân phối hỗ trợ gạo, tiền kịp thời đến 100% người dân đúng đối tượng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh cũng đã tiếp nhận ủng hộ, đóng góp từ Trung ương, các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền 8,551 tỷ đồng và 25 tấn gạo và tổ chức phân phối đến người dân kịp thời, đúng đối tượng.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện một số giải pháp trước mắt để kịp thời khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển như tổ chức tuyên truyền để người dân yên tâm; hướng dẫn người dân phân biệt cá chết bất thường với cá khai thác trên biển xa và cá trong vùng đầm phá...
Tỉnh yêu cầu người dân không thu gom cá chết để tiêu thụ trên thị trường gây ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm; tổ chức triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ khẩn cấp cho người dân bị ảnh hưởng để sớm giúp họ ổn định cuộc sống.
Theo đánh giá bước đầu, tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, sự cố môi trường biển đã khiến 2.939 tàu thuyền với 6.212 hộ, 30.450 khẩu bị ảnh hưởng. Ngoài việc đánh bắt trên biển bị ngừng trệ, số lồng bè nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại là 1.240 lồng với sản lượng 136.608 kg cá nuôi.
Riêng về môi trường, thiệt hại về lâu dài cần có quá trình đánh giá của các nhà khoa học để có biện pháp khắc phục.
Hiện nay, do tâm lý nên việc sản xuất và tiêu thụ thủy, hải sản trên địa bàn vẫn còn khó khăn, kể cả hải sản đánh bắt xa bờ. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện còn có 195 lồng nuôi cá của 97 hộ nuôi ở các xã Hải Dương (thị xã Hương Trà), Lộc Bình (huyện Phú Lộc) đã đến kỳ thu hoạch gần cả tháng nay với hàng chục tấn cá nuôi nhưng vẫn không bán được.
Thị trường tiêu thụ cá lồng của các địa phương nói trên chủ yếu là ở Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng nhưng gần đây lượng tiêu thụ rất ít, không được các lái buôn thu mua đại trà như trước.../.