Tuy nhiên, điều người dân lo ngại hiện nay là nguồn tôm giống, thị trường tiêu thụ và nguồn vốn vay mở rộng sản xuất. Hiện quy trình nuôi tôm càng xanh giống chưa ổn định, phụ thuộc lớn vào thời tiết. Nguồn tôm bố mẹ còn bị động, phần lớn cơ sở sản xuất giống chưa chủ động nuôi vỗ và chọn lọc tôm bố mẹ đạt chuẩn mà hầu hết thu gom từ các ao nuôi thương phẩm nên khả năng đạt chuẩn chưa cao, chất lượng tôm nuôi bị hạn chế.
Trong khi đó, hiện tôm càng xanh nuôi tại Trà Cổ chủ yếu được bán cho các nhà hàng lớn ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, ít được bán tại các chợ truyền thống do giá cả khá cao. Vì vậy, phân khúc thị trường của tôm càng xanh khá hạn hẹp, nếu mở rộng nuôi ồ ạt dễ dẫn đến thừa cung.
Vì vậy, người nuôi mong muốn Tổ hợp tác nuôi tôm càng xanh xã phối hợp các ngành chức năng huyện, tỉnh tìm thêm đầu mối tiêu thụ cho tôm càng xanh. Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, người nuôi đang đẩy mạnh áp dụng tiêu chuẩn VietGAP trong quá trình sản xuất.
Theo đó, chỉ đào ao nuôi ở những nơi phù hợp, tuân thủ quy trình nuôi an toàn, không sử dụng thuốc kháng sinh. Do vậy vốn đầu tư sẽ lớn hơn, người nuôi rất cần có sự hỗ trợ vốn vay ưu đãi từ phía ngân hàng để có thể mở rộng sản xuất và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào nuôi tôm.