Trong những năm gần đây, diện tích nuôi tôm tại Sóc Trăng nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung đang phát triển rất nhanh, chiếm khoảng 75% diện tích nuôi tôm của cả nước. Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo chính quyền địa phương quy hoạch theo từng giai đoạn cụ thể cho các vùng nuôi tôm, nhưng do nhu cầu đầu tư tự phát để cải thiện kinh tế của các hộ dân nên việc quy hoạch và kiểm soát vẫn chưa đáp ứng được tình hình thực tế.
Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng, tính đến cuối tháng 10-2018, diện tích thả nuôi tôm trên địa bàn toàn tỉnh trên 55.836ha, đạt hơn 124% kế hoạch; gồm 23.429,4ha tôm sú và 32.407,3ha tôm thẻ. Tại một số địa phương, UBND tỉnh đã lập quy hoạch phát triển nuôi thủy sản. Tuy nhiên, nhiều hộ dân nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, tự phát nên đã sử dụng điện từ nguồn điện phục vụ sinh hoạt dẫn đến tình trạng lưới điện bị quá tải.
Đồng chí Phan Bạch Vân - Trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Sóc Trăng) chia sẻ: “Trong quá trình nuôi tôm, vấn đề sử dụng điện chiếm 5% - 10% chi phí trong vụ nuôi, vì thế đơn vị đã phối hợp với ngành Điện đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến với bà con nuôi tôm về những giải pháp để làm sao tiết kiệm điện trong nuôi tôm nhằm hạ chi phí giá thành, giúp bà con nuôi tôm có nhiều lợi nhuận hơn”.
Theo lãnh đạo Công ty Điện lực Sóc Trăng, thời gian qua, tại các địa phương có diện tích thả nuôi tôm, Điện lực đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, các buổi tuyên truyền về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Tại xã Hòa Tú 1 (Mỹ Xuyên), mới đây, Điện lực đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương tổ chức hội thảo với nội dung “Các giải pháp an toàn điện, tiết kiệm điện trong nuôi tôm” và nhận được sự quan tâm tham dự của hơn 100 đại biểu là người dân, lãnh đạo các hợp tác xã, tổ hợp tác trên địa bàn xã.
Sau khi được cán bộ Điện lực thông tin về các mô hình tiết kiệm điện trong nuôi tôm, như: thay thế gối đỡ trục dàn quạt (tạo khí ôxy) chữ U bằng con lăn trục quay và đồng trục hóa môtơ với trục dẫn dàn quạt, kết hợp sử dụng con lăn đỡ trục quay thay thế con lăn gối đỡ chữ U rất hiệu quả, bà con khá hào hứng với các mô hình trên.
Ông Trần Hoàng Út ở ấp Hòa Phước, xã Hòa Tú 1 vui vẻ cho biết: “Gia đình tôi có 2ha đất canh tác đào thành 4 ao nuôi tôm. Qua đợt cấp phát gối đỡ con lăn thay thế gối đỡ chữ U thì tôi đăng ký được 24 con lăn và được Điện lực hỗ trợ lắp đặt. Qua thời gian sử dụng, tôi nhận thấy lượng điện sử dụng cho việc sản xuất nuôi tôm giảm khoảng 15% so với khi sử dụng gối đỡ chữ U. Hiện tại tôi đã mua con lăn để lắp đặt thêm cho các dàn quạt và thấy hiệu quả mang lại rất cao. Từ đó, tôi khuyến khích bà con sử dụng theo mô hình này”.
Theo thông tin từ Công ty Điện lực Sóc Trăng, vào tháng 12-2016, Tổng Công ty Điện lực miền Nam đã trình đề án và được Tập đoàn Điện lực Việt Nam phê duyệt và cho Điện lực Sóc Trăng triển khai thí điểm mô hình tiết kiệm điện (giải pháp thay thế gối đỡ chữ U bằng gối đỡ con lăn) để hỗ trợ các hộ tại các vùng nuôi tôm trọng điểm. Đến nay, mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Ông Lê Phát Minh, thành viên HTX Nuôi tôm Thành Đạt, ấp Hòa Trực phấn khởi cho biết: “Việc sử dụng gối đỡ con lăn thay thế gối đỡ chữ U sẽ mang lại lợi ích kép cho các hộ nuôi tôm. Ngoài việc tiết kiệm chi phí điện năng, mô hình còn góp phần giảm thiểu hư hỏng các thiết bị. Qua thời gian sử dụng, tôi thấy lượng điện sử dụng cho việc sản xuất nuôi tôm giảm từ 15% - 20% so với trước khi áp dụng”.
Đồng chí Đặng Huy Cường - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) khẳng định: “Đây thực sự là sáng kiến ích nước, lợi nhà. Mô hình có chi phí đầu tư ít nhưng có thể tiết kiệm được lượng lớn điện năng tiêu thụ, mô hình này có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia trong giai đoạn tới. Không chỉ có vậy, mô hình này còn mang lại chính lợi ích cho các hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ gia đình nuôi tôm”.
Theo lãnh đạo Công ty Điện lực Sóc Trăng, việc tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả là một công tác thường xuyên, liên tục nhằm mang lại lợi ích giảm chi phí sản xuất cho hộ nuôi tôm và giúp ngành Điện giảm áp lực đầu tư nguồn cung cấp điện, đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền trong người dân nuôi tôm để nhân rộng mô hình. Cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương (Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ) đã có sự quan tâm tham gia để đánh giá và quảng bá về thành công của mô hình nêu trên; đồng thời đẩy mạnh chỉ đạo, định hướng điều hành phối hợp với ngành Điện trong công tác tiết kiệm điện.