Tổng Thư ký Hội Nghề cá Việt Nam Trần Cao Mưu thăm cơ sở nuôi tôm ở Quảng Bình
Thành quả vượt mong đợi
Mặc dù trong suốt quá trình hoạt động, Hội còn gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất và điều kiện làm việc còn thiếu, nhưng Hội Nghề cá Việt Nam vẫn tròn vai của một tổ chức xã hội nghề nghiệp.
Năm 2001, Hội chỉ có trên 10 đơn vị thuộc Trung ương, 8 tỉnh Hội với trên 7.000 hội viên. Đến nay, đã có 18 ban, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội, 70 đơn vị hội viên tập thể; 34 tỉnh, thành phố có tổ chức Hội với trên 300.000 hội viên. Đặc biệt, nhiều Hiệp hội nghề nghiệp được thành lập và được kết nạp làm thành viên của Hội như Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam, Hiệp hội Cá nước lạnh Lâm Đồng…
Tổ chức Hội đã tích cực hoàn thành nhiệm vụ và khẳng định được vai trò đối với hội viên, nông ngư dân, doanh nghiệp và nghề cá cả nước như: bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nông, ngư dân; góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh... Bên cạnh đó, Hội đã đề xuất nhiều giải pháp đối với những khó khăn trong sản xuất và đời sống của nông, ngư dân, chủ động tham gia xây dựng, đóng góp nhiều ý kiến đối với các cơ chế, chính sách có liên quan đến quyền lợi của nông, ngư dân như chính sách đầu tư tín dụng, hỗ trợ giá xăng dầu, mua bảo hiểm… Đặc biệt là việc Hội đã quyết liệt vào cuộc, lên tiếng nói kịp thời bảo vệ quyền lợi chính đáng trong các vụ ngư dân bị xâm hại trên biển, vụ cá tra Việt Nam bị WWF 6 nước châu Âu đưa vào danh sách đỏ, hay gần đây nhất là vụ cưỡng chế thu hồi đầm nuôi trồng thủy sản của hội viên ở Tiên Lãng (Hải Phòng).
Đồng thời, góp phần đẩy mạnh khai thác, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ thủy hải sản, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm cả ngành thủy sản. Chủ động và có nhiều đóng góp trong việc tham gia xây dựng và phổ biến các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, nuôi thủy sản bền vững như Global GAP, VietGAP, HACCP…
Ngoài ra, Hội còn tích cực tham gia tư vấn, phản biện và đóng góp nhiều ý kiến vào các chương trình, đề án về phát triển thủy sản, các dự thảo văn bản quan trọng về luật, quyết định, nghị định và thông tư của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành… như Chiến lược phát triển ngành thủy sản, các đề án về khai thác hải sản, đánh cá xa bờ, quy hoạch vùng nuôi các loài thủy sản nước ngọt, mặn, lợ…
Song song với đó, quan hệ hợp tác quốc tế của Hội ngày càng được mở rộng và có hiệu quả, là thành viên của Hiệp hội Nghề cá Đông Nam Á, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Mạng lưới an ninh lương thực và giảm nghèo CIFPEN, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ…
Tiếp tục phát huy thế mạnh
Trong thời gian qua, hiệu quả hoạt động của Hội còn nhiều hạn chế và chưa ổn định, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, chưa tương xứng với tiềm năng của nghề cá. Do vậy, với tư cách là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên, nông ngư dân và doanh nghiệp làm nghề cá, là cầu nối giữa Nhà nước và quần chúng, Hội cần tập hợp ý kiến và đề xuất giải pháp lên các cơ quan Nhà nước, trước hết là về cơ chế chính sách, khoa học công nghệ, đào tạo nhân lực trong lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ nhằm phát triển nghề cá đạt hiệu quả bền vững. Xây dựng Hội thực sự là cánh tay đắc lực của ngành thủy sản, góp phần phát triển nghề cá Việt Nam hiệu quả và bền vững.
Bên cạnh đó, Hội cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng chuyên nghiệp hóa gắn liền với hợp tác, phối hợp với các đơn vị, vì sự phát triển nghề cá hiệu quả và bền vững; tổ chức mạnh từ gốc, từ các tổ chức cơ sở gắn liền với nghề nghiệp và sản xuất kinh doanh nghề cá, tạo tiềm lực kinh tế để hoạt động ổn định và lâu dài.
Đồng thời, tăng cường hợp tác, phối hợp, liên kết với các tổ chức, các đơn vị như VASEP, Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam… Mở rộng quan hệ, hội nhập quốc tế, nhằm mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh nghề cá đạt hiệu quả, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và góp phần bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.