Thông tư Quản lý giống thủy sản sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 05/7/2013, gồm 7 chương, 28 điều, quy định quản lý về điều kiện sản xuất kinh doanh, chất lượng, khảo nghiệm, kiểm định giống thủy sản và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, không bao gồm nội dung kiểm dịch giống thủy sản, cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu giống thủy sản. Thông tư quy định cụ thể điều kiện sản xuất kinh doanh giống thủy sản, các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giống thủy sản, các nguyên tắc, thủ tục khảo nghiệm, kiểm định giống thủy sản, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, năm 2012, cả nước có 1.529 cơ sở sản xuất giống tôm sú, sản xuất được hơn 37 tỷ con giống và có 185 cơ sở giống tôm chân trắng, sản xuất được gần 30 tỷ con giống. Tính đến hết tháng 5/2013, cả nước có 1.425 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 103 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng, cung cấp trên 23,5 tỷ con giống. Tuy nhiên, chất lượng con giống không đồng đều, một số cơ sở cung cấp con giống chất lượng kém do sử dụng tôm bố mẹ không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, điều kiện hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo, công nghệ sản xuất chưa ổn định, chất lượng nước thấp… là những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng tôm giống.
Quang cảnh hội nghị
Trong khi đó, sản xuất giống cá tra cũng gặp khó khăn do nuôi cá tra còn nhiều bấp bênh. Hiện nay toàn vùng đồng bằng Sông Cửu Long có gần 200 trại sinh sản cá bột, với trên 4.000 hộ ương cá giống. Đối với sản xuất giống nhuyễn thể, bao gồm ngao, hầu thái bình dương, tu hài, ốc hương, đều là những đối tượng đã có công nghệ sản xuất giống. Về sản xuất giống cá rô phi, năm 2012, toàn miền Bắc có 43 trại cá giống, sản xuất khoảng 100 triệu con, đáp ứng khoảng 30 - 35% nhu cầu, phần lớn giống được vận chuyển từ miền Nam ra và một phần nhập từ Trung Quốc, Đài Loan, Thái Lan…
Theo đánh giá của Vụ Nuôi trồng thủy sản, cho đến nay công tác kiểm tra chất lượng giống chưa đầy đủ, một số nơi chưa tuân thủ mùa vụ nuôi, thả giống sớm. Công tác kiểm dịch giống còn nhiều hạn chế dẫn đến tình trạng tôm giống chất lượng kém vẫn được đưa vào nuôi. Việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý.
Đại diện Hội nghề cá Việt Nam cho biết vẫn còn tình trạng một số trại sản xuất giống không tuân thủ những quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh giống thủy sản của Nhà nước đã ban hành, giống không được kiểm tra, xét nghiệm bệnh dịch trước khi cho sinh sản và xuất trại, vẫn được lưu thông tự do từ địa phương này đến địa phương khác… Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người nuôi mà còn ảnh hưởng lớn đến uy tín của những trại giống thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước.
Tại Hội nghị, ý kiến của đa số đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề: kiểm tra chất lượng giống thủy sản kiểm tra theo hình thức thành lập đoàn hay không, thực hiện theo kế hoạch kiểm tra hay kiểm tra “bất thường”, thời hạn sử dụng tôm bố mẹ, về chương trình đào tạo kiến thức cho người nuôi trồng, sản xuất con giống thủy sản.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Huy Điền cho biết, để Thông tư đi vào cuộc sống hiệu quả, Tổng cục Thủy sản đã tổ chức 3 cuộc tập huấn với 142 cán bộ tham gia. Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục triển khai hoạt động này để đáp ứng nhu cầu của thực tiễn, đồng thời sẽ tổ chức kiểm tra các cơ sở sản xuất tôm nhập khẩu vào Việt Nam. Để định hướng công tác giống, trong năm 2013, sẽ tổ chức hội nghị định hướng phát triển tôm nước lợ, bởi thực tế hiện nay, nhiều nơi đã không triển khai tốt quy hoạch nuôi trồng thủy sản đã được phê duyệt. Bên cạnh đó sẽ xây dựng chương trình quốc gia về chọn tôm bố mẹ, đánh giá hiệu quả của các trung tâm giống quốc gia để có biện pháp quản lý hiệu quả hơn, trong đó cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra thường xuyên trên diện rộng hoạt động sản xuất thủy sản, trong đó có quản lý giống thủy sản. Hội Nghề cá, các doanh nghiệp cũng như người nuôi trồng thủy sản cần tích cực phản ánh các bất cập cho các cơ quan quản lý để kịp thời tháo gỡ.