Tổng cục Thủy sản và các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành về nuôi trồng thủy sản đã khẳng định, nghề nuôi tôm nước lợ thời gian qua đã góp phần hết sức quan trọng vào việc đem lại nguồn thu nhập, tạo việc làm, nâng cao mức sống cho người dân tại các tỉnh, thành phố ven biển trong cả nước. Song, nghề nuôi tôm cũng đứng trước nhiều thách thức về dịch bệnh, ô nhiễm, suy thoái về môi trường, dẫn đến dịch bệnh gia tăng, lợi nhuận của người nông dân giảm, thua lỗ… Việc phát triển con tôm thẻ chân trắng, các nhà khoa học cũng cảnh báo nguy cơ dịch bệnh, gây mất cân bằng sinh thái, ô nhiễm môi trường và yêu cầu phải thật sự thận trọng khi phát triển con tôm thẻ, chỉ cho phép nuôi khi làm tốt công tác quản lý, tổ chức lại sản xuất, nuôi theo hình thức thâm canh có quản lý, đầu tư đồng bộ…
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Thanh Dũng cho biết: Tỉnh Bạc Liêu nằm trên vùng bán đảo Cà Mau, với quỹ đất dành cho sản xuất nông nghiệp nói chung lên đến hơn 220.000ha, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là hơn 120.000ha. Bạc Liêu là một trong những tỉnh chủ lực của đồng bằng sông Cửu Long về nuôi tôm nước lợ, cũng như khai thác và chế biến thủy, hải sản xuất khẩu. Song, nghề nuôi tôm nước lợ ở Bạc Liêu luôn đối mặt với nhiều thử thách như: thời tiết diễn biến bất thường, môi trường khu vực sản xuất bị ô nhiễm, dịch bệnh trên tôm nuôi thường xuyên xảy ra, kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu Lê Thanh Dũng mong muốn các nhà khoa học, các đơn vị chức năng thuộc Bộ NN&PTNT phân tích, đánh giá sâu sát tình hình, tham mưu Bộ NN&PTNT có những hoạch định chiến lược phát triển thật sự bền vững cho nghề nuôi tôm nước lợ tại Bạc Liêu cũng như các tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống kinh tế cho người dân sống trong vùng quy hoạch nuôi tôm.