Dự án “Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững” được thực hiện từ năm 2012 đến 31/01/2018 và được triển khai tại 8 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Sóc Trăng và Cà Mau.
Mục tiêu tổng thể của dự án là cải thiện công tác quản lý nghề cá ven bờ theo hướng bền vững tại các tỉnh duyên hải được lựa chọn của Việt Nam. Từ đó tăng cường năng lực thể chế cho ngành thủy sản trong việc quản lý bền vững các nguồn lợi; thúc đẩy các biện pháp thực hành tốt trong nuôi trồng thủy sản bền vững, thực hiện các quy trình thực hành tốt vì sự bền vững của ngành khai thác thủy sản ven bờ.
Các kết quả đầu ra chủ yếu của dự án là: quy hoạch không gian ven bờ cho các nguồn lợi ven biển được thực hiện thành công và được áp dụng tại các các tỉnh điểm của dự án. Các tỉnh dự án có hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá được nâng cấp và vận hành đầy đủ. Kiện toàn khung pháp lý về nuôi trồng thủy sản, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.Các hộ nuôi trồng thủy sản áp dụng các biện pháp Thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP). Tăng thu nhập cho người nuôi trồng thủy sản nhờ áp dụng GAP. Đồng quản lý khai thác thủy sản ven bờ được thực hiện thành công và được áp dụng tại các huyện thí điểm.Gia tăng việc phục hồi nguồn lợi thủy sản tại các khu vực ven biển của các tỉnh dự án. Tăng thu nhập cho ngư dân nhờ áp dụng đồng quản lý.
Nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu Vnfishbase là tiểu hợp phần thuộc hợp phần Tăng cường năng lực thể chế cho quản lý nghề cá bền vững. Tiểu hợp phần này sẽ hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các tỉnh đánh giá, nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu Vnfishbase thông qua việc xây dựng thêm các hệ thống dữ liệu như thông tin về sản xuất nuôi trồng thủy sản, thương mại thị trường, cơ sở hạ tầng dịch vụ, tổng quan nghề cá… trong đó sẽ tiến hành thí điểm tại các tỉnh dự án và khuyến khích sự tham gia của các tỉnh ven biển ngoài dự án. Đồng thời kết nối với các cơ sở dữ liệu khác thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mặt khác, tiểu hợp phần cũng xây dựng một số hệ thống chia sẻ và quản lý thông tin, cung cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin thiết yếu, phát triển nguồn nhân lực.
Mục tiêu của tiểu hợp phần là mỗi tỉnh tham gia dự án sẽ có khả năng thu thập, duy trì và đưa ra được các thông tin cần thiết phục vụ công tác quy hoạch và quản lý ngành thủy sản như thông tin về khai thác bất hợp pháp , không theo quy định và không có báo cáo (IUU), truy xuất nguồn gốc các sản phẩm khai thác và nuôi trồng, nhật ký khai thác, sản xuất và nuôi trồng thủy sản, số liệu về sản lượng khai thác cập bến, tổng quan nghề cá tỉnh. Sẽ xây dựng một hệ thống quản lý chia sẻ thông tin để thúc đẩy trao đổi thông tin cấp khu vực và quốc tế về quản lý nghề cá đa loài cũng như quản lý dựa trên tiếp cận hệ sinh thái. Vào thời điểm kết thúc dự án, hệ thống thống kê sẽ được đánh giá, với mục đích nhân rộng sang các tỉnh duyên hải khác.
Theo ông Dương Long Trì, Giám đốc Trung tâm Thông tin thủy sản, những năm qua Việt Nam đã có một bức tranh phát triển thủy sản rất nhanh, đến nay cần phải tập trung vào phát triển bền vững. Hoạt động thống kê thông tin nghề cá có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành.Tuy vậy, thông tin thống kê thủy sản chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý vì mới chỉ phục vụ được nhu cầu trước mắt của cơ quan quản lý, chưa bao quát được đầy đủ, chi tiết, toàn diện mọi lĩnh vực hoạt động thủy sản, tính kịp thời và độ tin cậy của số liệu không cao.
Đánh giá chung về hiện trạng cơ sở dữ liệu thông tin nghề cá hiện nay, ông Dương Long Trì cho rằng, bước đầu các ứng dụng về công nghệ thông tin vào thống kê thủy sản đã tạo điều kiện tiền đề cho việc hình thành cơ sở dữ liệu về thủy sản, từng bước thực hiện tin học hóa công tác thống kê, nâng cấp hạ tầng ứng dụng công nghệ thông tin và chia sẻ thông tin. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại đáng kể như hầu hết các cơ sở dữ liệu chưa hoạt động ổn định, chưa gắn với thực tiễn hoạt động, thiếu thông tin đầu vào, không có nhân lực và kinh phí duy trì hoạt động, hạ tầng công nghệ thông tin chưa đáp ứng yêu cầu. Khả năng tích hợp cơ sở dữ liệu thấp, thiếu định hướng chung, thông tin số liệu chưa được chuẩn hóa, cơ sở dữ liệu được xây dựng phân tán, theo từng mục tiêu riêng, mang nặng yếu tố chủ quan, nội dung thông tin số liệu chưa phù hợp. Đặc biệt là hệ thống thông tin thống kê chưa có, vai trò của thông tin thống kê chưa được khẳng định.
Một trong những nội dung quan trọng của Hội thảo là giới thiệu và thảo luận về phần mềm Vnfishbase. Vnfishbase được hình thành từ cơ sở dữ liệu Vietfishbase (1995-2005), là phần mềm quản lý thông tin mẫu sản lượng khai thác, xây dựng trên trường Acesss, thuộc dự án ALMRV (FSPS I) do Viện Nghiên cứu Hải sản chủ trì. Từ 2009-2010, dưới sự hỗ trợ của Chương trình FSPS II, đãxây dựng cơ sở dữ liệu Vnfishbase, trong đó,chỉ quản lý thông tin mẫu sản lượng khai thác, với các nội dung như: quản lý thông tin đăng ký, đăng kiểm tàu cá, tai nạn tàu cá được xây dựng tách biệt, do Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản và dự án STOFA chủ trì. Từ 2011-2012, Vnfishbase tích hợp thông tin quản lý tàu cá và mẫu sản lượng, cường lực khai thác, nâng cấp, cải thiện tốc độ truy cập… do STOFA hỗ trợ và Trung tâm Thông tin thủy sản quản lý.
Mục đích của việc nâng cấp xây dựng cơ sở dữ liệu Vnfishbase là quản lý thông tin nghề cá đồng bộ, thống nhất, cập nhật nhanh nhất, khả năng chia sẻ thông tin thuận lợi nhất. Cung cấp thông tin đầu vào cập nhật theo chuỗi thời gian cho các nhà quản lý, khoa học, tư vấn, hoạch định chính sách. Dễ dàng chia sẻ, phổ biến thông tin, số liệu nghề cá với các bên tham gia liên quan.Hỗ trợ các điều kiện hội nhập quốc tế cho ngành thủy sản, tăng cường năng lực cạnh tranh.
Hiện nay, về hiện trạng sử dụng Vnfishbase, các địa phương chưa cập nhật đúng, đủ thông tin cần thiết cơ bản, các thông tin hồi cố. Chưa thu thập, cập nhật thông tin về mẫu sản lượng, hạn chế về nguồn lực cho việc tổ chức thu thập, cập nhật thông tin, thiếu thông tin về đăng kiểm, đăng ký tàu cá, cấp phép khai thác.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tham gia đóng góp ý kiến nhằm nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu Vnfishbase, trong đó tập trung vào việc xây dựng định hướng thu thập thông tin một cách tổng hợp nhất, đối tượng đào tạo sử dụng phần mềm cũng như đào tạo thu thập thông tin, tính pháp lý của số liệu thống kê, sự nhất quán trong chỉ đạo xây dựng cơ sở dữ liệu từ trung ương tới địa phương, phương pháp thu thập thông tin. Nâng cấp hạ tầng CNTT để đáp ứng được yêu cầu cho công tác thống kê nghề cá. Kinh phí cho người thu thập số liệu ở địa phương cũng là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm đề cập.