Đảm bảo sản xuất nuôi trồng thủy sản bền vững là một thách thức chính cho an toàn và an ninh thực phẩm thủy sản toàn cầu. Sản xuất nuôi trồng thủy sản phải mở rộng một cách có ý nghĩa trong thập kỷ tới để thỏa mãn nhu cầu thị trường sản phẩm thủy sản đang gia tăng. Châu Âu nhập khẩu gần 70% sản phẩm thủy sản tiêu dùng; trong đó chủ yếu đến từ Đông Nam châu Á - vùng sản xuất lớn nhất thế giới. Vì vậy, cả hai vùng có chung sự quan tâm lớn để phát triển các giải pháp bền vững, đặc biệt liên quan đến đổi mới công nghệ, hiệu quả tài nguyên, giảm thiểu tác động môi trường, hài hòa các tiêu chuẩn và thị trường.
Mục tiêu của EURASTiP là để đánh giá và chuẩn bị cho sự ra mắt của một Diễn đàn Đổi mới và Công nghệ Nuôi trồng thủy sản Á - Âu, một Diễn đàn nhiều bên (MSP) quốc tế. MSP là nơi sẽ cũng cấp một cơ chế mới để tạo ra và tăng cường hợp tác quốc tế về nuôi trồng thủy sản bền vững giữa châu Âu và Đông Nam châu Á. Các bên tham gia từ cả hai vùng sẽ tập trung vào các hoạt động mà sẽ cung cấp lợi ích hỗ tương cho các thành viên liên quan trong chuỗi giá trị nuôi trồng thủy sản, giáo dục, nghiên cứu và phát triển chính sách.
Theo TS Đinh Thế Nhân, Giảng viên Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh, Diễn đàn VINATiP được diễn ra cũng không nằm ngoài mục tiêu đó. Vì thế việc xây dựng tầm nhìn, mục tiêu chính, định hướng và kế hoạch phát triển cho Diễn đàn trong thời gian tới là điều rất cần thiết.
Các đại biểu tham gia diễn đàn tại TP Hồ Chí Minh
Ngoài ra, tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung thảo luận, xây dựng và hoàn thiện 4 chủ đề, gồm: Nghiên cứu và đào tạo: Thúc đẩy nghiên cứu đổi mới công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho sự phát triển bền vững cả về kinh tế - xã hội và môi trường của nuôi trồng thủy sản Việt Nam; Thương hiệu và thị trường: Đảm bảo hầu hết các sản phẩm thủy sản Việt Nam có thương hiệu được xây dựng trên cơ sở đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng cao, bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe, an toàn và được nhận biết bởi người tiêu dùng ở các thị trường này ngày càng mở rộng trong và ngoài nước; Tiêu chuẩn và chứng nhận: Xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng mong đợi của người tiêu dùng về sản phẩm thủy sản bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe, an toàn, thiết lập khung quản lý mình bạch và tin vậy cho việc đánh giá và chứng nhận khuyến khích thực hành nuôi trồng thủy sản tốt; Hoàn thiện thể chế, chính sách: Đảm bảo các cơ chế và chính sách vững chắc, mình bạch và bình đẳng nhằm thúc đẩy các đóng góp nhiều bên cho sự phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn và bền vững.
TS Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: “2017 là năm thành công của toàn ngành nông nghiệp nói chung, thủy sản nói riêng. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt hơn 8,3 tỷ USD, tăng 19% so cùng kỳ năm ngoái, điều đặc biệt hơn đây là một năm mà thủy sản Việt Nam vừa được mùa, vừa được giá. Tuy vậy với mục tiêu xuất khẩu đạt 9 tỷ USD trong năm 2018 mà Chính phủ đã đề ra thì khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều. Theo đó cần rất nhiều giải pháp để ngành phát triển bền vững và hiệu quả”.