Chia sẻ về quá trình khởi nghiệp, ông Hùng vui vẻ cho biết: "Quê tôi ở tận Ðầm Dơi, khi thằng con út lên ba, tôi cùng gia đình về sinh sống tại xã Biển Bạch Ðông, huyện Thới Bình, mua đất vuông và khởi nghiệp nuôi cua".
Với 3 ha đất, ông Hùng mạnh dạn đầu tư thành 3 ô, rồi xử lý đáy ao, bao lưới quanh, thả nuôi cua biển và tôm giống. Khâu chọn con giống rất quan trọng, ông đặc biệt chọn giống chất lượng cao. Trên thực tế, nuôi cua biển không quá vất vả và rủi ro, chi phí thấp, chỉ khoảng 4 tháng là có thể cho thu hoạch. Thức ăn của cua lại không hiếm, chủ yếu sử dụng nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên.
Ðể cua đạt chất lượng cao, ông Hùng chia sẻ kinh nghiệm, sau khi mua giống cua về ông tiến hành dèo cua giống trong 8 ngày. Thức ăn giai đoạn này rất quan trọng, phải là cá đã nấu chín, bỏ ruột, da và xương, chỉ lấy phần thịt trắng xé nhỏ, như vậy cua sẽ mau hấp thụ và không làm ô nhiễm nguồn nước. Sau 8 ngày dèo thì lựa chọn những con mạnh, thân trắng thả vào môi trường nuôi tự nhiên. Sau 3 tháng, nếu muốn nuôi cua gạch son thì lựa chọn những con cái, thả vào ốp, cho ăn ốc để cua mau lên gạch.
Ðiều đáng quý ở ông "Hùng cua" chính là nét chất phác, thật thà vốn có của người nông dân. Khi thành công, được hỏi về mô hình hay có người đến học hỏi kinh nghiệm, tham quan, ông đều chỉ dẫn tận tình, không giấu nghề, từ việc chọn mua con giống, kỹ thuật nuôi, chăm sóc. Người dân vùng lân cận thường đến nhà ông trò chuyện về kỹ thuật nuôi cua.
Bí quyết để nuôi cua làm nên thương hiệu, đó là mỗi ô ông đều cho rào lưới xung quanh từ đáy lên đến mặt ô, lưới sử dụng kích thước 2a x 1,5 mm, chiều cao mỗi ô từ 0,5 đến 1 m, mặt đáy lưới tiếp xúc với đáy ô phủ một lớp bùn mỏng khoảng 0,5 cm để cho cua vùi mình và lột xác.
Việc nuôi cua có rào lưới sẽ giảm số lượng cua thất thoát do cua bò ra ngoài. Có được thành công như hôm nay là thông qua quá trình tập huấn nuôi trồng thuỷ hải sản, học hỏi kinh nghiệm từ những người xung quanh, báo đài, cũng như tích luỹ kinh nghiệm từ thực tế.
Ðến nay, ông Hùng đã làm chủ kỹ thuật nuôi cua, chỉ cần quan sát màu nước, hoạt động của cua, ông có thể biết tình trạng cua như thế nào để có biện pháp xử lý kịp thời.
Trung bình mỗi năm ông cho thả nuôi 2 vụ cua. Khi cua lớn, thương lái đến tận nhà thu mua với giá khá cao. Trừ hết mọi chi phí, ông được hơn 100 triệu đồng. Ngoài nuôi cua biển, ông Hùng còn thả tôm sú giống nuôi xen kẽ với cua đem lại thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm. Ông cho biết, việc nuôi tôm kết hợp cua đem lại lợi nhuận cao, mau thu hoạch nhưng mỗi khi tôm yếu, bệnh, cua ăn vào có thể gây chết hàng loạt.
Chưa dừng lại ở đó, từ tháng 7-12 âm lịch, ông Hùng còn trồng lúa trên phần đất nuôi tôm, cua, mỗi năm thu hoạch từ 400 đến 500 giạ lúa. Ông hào hứng: “Mình nuôi tôm, cua kết hợp với trồng lúa thì con giống sẽ được hưởng lợi từ những chất dinh dưỡng có trong lúa. Việc này giúp cua nhanh lớn và chắc thịt do nuôi chủ yếu bằng thức ăn có sẵn trong tự nhiên, vừa giảm chi phí, vừa ít mang mầm bệnh".
Hiệu quả cao, lượng cua ít thất thoát, màng lưới sử dụng được 2-3 vụ mùa mới thay nên hiện các hộ nuôi lân cận đang áp dụng. “Thật thà, chất phác, cần cù, siêng năng là những đức tính mà người nông dân Trương Thanh Hùng hội tụ. Mỗi lượt khách đến tham quan mô hình, dù công việc có bận bịu hay đang trong tình trạng ướt sũng, ông vẫn nhiệt tình giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm nuôi cua của mình. Hiện tại mô hình này được các hội viên Hội Nông dân xã học tập và áp dụng, hứa hẹn cho thu nhập cao”, ông Trần Thanh Phong, Chủ tịch Hội Nông dân xã Biển Bạch Ðông, cho biết.
Với những thành công đã đạt được, năm 2015, ông vinh dự được UBND huyện Thới Bình tặng giấy khen nông dân sản xuất giỏi 5 năm liền./.