Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu đã đánh giá, nhận định một cách toàn diện về những mặt thuận lợi, khó khăn ảnh hưởng đến sản xuất nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm quảng cải tiến vùng phía Bắc Quốc lộ 1A từ khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến nay. Trên cơ sở đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng các giải pháp thực hiện nhằm từng bước phát triển ổn định, bền vững cho các hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến (QCCT) vùng Bắc Quốc lộ 1A. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị cần tập trung vào 06 nhóm giải pháp như sau:
Giải pháp về kỹ thuật:
Thiết kế công trình nuôi:
Do đặc thù vùng sản xuất chịu ảnh hưởng bởi sự điều tiết nước của các Cống đầu mối và tình trạng xâm nhập mặn đến vùng ngọt hóa và chất đất giữ nước kém (qua khảo sát thực tế, khoảng 4 ngày mức nước trong ao mất khoảng 20 cm là thời điểm thích hợp cho bơm tiếp lần sau). Do đó, khuyến cáo bà con phải gia cố bờ bao bằng cơ giới để chống thất thoát nước, mở rộng diện tích mương bao (tối thiểu 05 m) tạo không gian rộng cho tôm hoạt động, mức nước mặt trảng vuông nuôi phải đạt 0, 5 - 0,8 m, độ sâu mương đạt tối thiểu 1,2 m.
Chuẩn bị ao nuôi:
Thông thường áp dụng các phương pháp cải tạo: Sử dụng máy cày, xới mặt trảng, sên vét bùn đáy mương bao. Sử dụng vôi CaO hoặc CaCO3 trong quá trình cải tạo, trong quá trình nuôi sử dụng định kỳ vôi CaCO3 hoặc Dolomite để ổn định các yếu tố môi trường (pH, độ kiềm, ...) trong ao. Lượng bón khi cải tạo 100 - 150 kg/1.000m2. Lượng bón trong quá trình nuôi, tùy tình hình thực tế khi kiểm tra các yếu tố môi trường có thể bổ sung định kỳ 10 - 20 kg/1.000 m2
Đối với các hình thức nuôi như: Tôm - lúa, xen canh tôm - lúa cần tham khảo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật để sử dụng các loại thuốc, hoá chất, vi sinh hoặc phân cho phù hợp, tránh làm ảnh hưởng các đối tượng nuôi, trồng.
Ngoài ra, khuyến khích trồng các loại thực vật thủy sinh phù hợp với đặc điểm sinh thái của vùng, cách bố trí và mật độ che phủ của thực vật thủy sinh tùy thuộc vào đặc điểm của vuông nuôi nhưng không vượt quá 30% diện tích mặt nước. Gốc rạ sau vụ lúa cần được loại bớt khoảng 70% và cày lật để mau phân hủy, tránh tác động chua hóa môi trường vuông nuôi.
Tuyệt đối không dùng các loại hóa chất, sản phẩm xử lý môi trường không rõ nguồn gốc, không ghi nhãn hàng hóa, không có chỉ dẫn về thời gian tiêu hủy, không sử dụng thuốc trừ sâu vào mục đích nuôi trồng thủy sản.
Chọn giống:
Tuân thủ nguyên tắc kết hợp 2 phương pháp trong chọn giống. Dùng phương pháp cảm quan và sốc formol hoặc sốc độ mặn để tuyển giống. Lấy mẫu giống đã tuyển, xét nghiệm bệnh bằng phương pháp PCR trước khi chọn giống thả nuôi. Có thể áp dụng phương pháp dèo tôm giống đạt từ 25 - 45 ngày tuổi để thả nuôi nhằm giảm tỷ lệ hao hụt, kiểm soát được tỷ lệ sống trong quá trình nuôi.
Quản lý, chăm sóc vuông nuôi:
Nhằm hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh, người nuôi cần chủ động khâu chăm sóc, quản lý ao nuôi định kỳ, thường xuyên kiểm tra các yếu tố môi trường bằng các dụng cụ đo đã chuẩn bị sẳn ngay từ đầu vụ như pH, độ kiềm, độ mặn, khí độc, đĩa secchi… sớm phát hiện các biểu hiện khác thường, vượt ngưỡng cho phép để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp, định kỳ sử dụng vi sinh 10 - 15 ngày/lần để phân hủy đáy ao nuôi, tạo môi trường ổn định, tạo điều kiện thuận lợi để tôm phát triển.
Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi không để nước trong ao nuôi cạn hơn mức bình thường sẽ làm rong, tảo đáy phát triển quá mức làm nước bị trong khó quản lý các yếu tố môi trường. Đối với tôm nuôi cần thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe, tỷ lệ sống, bổ sung thức ăn từ 3 - 5% trọng lượng thân.
Giải pháp về quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch:
Tổ chức quy hoạch các tiểu vùng sản xuất riêng biệt, phát triển hài hòa giữa trồng lúa và nuôi tôm.
Hoàn thiện và tổ chức thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch ngành, quy hoạch sản phẩm đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn vùng.
Giải pháp về điều tiết nước, môi trường và phòng chống dịch bệnh
Xây dựng và vận hành lịch điều tiết nước hợp lý hơn nữa cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường trên địa bàn vùng. Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, gắn nhiệm vụ, mục tiêu bảo vệ môi trường với phát triển kinh tế - xã hội. Đưa mục tiêu bảo vệ môi trường vào quy hoạch, kế hoạch hàng năm của các cấp, các ngành. Thực hiện nghiêm lộ trình xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, có chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa, xử lý các hành vi vi phạm.
Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, đánh giá tác động để triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng chống thiên tai. Quản lý khai thác có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái. Chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên tai, dịch bệnh, rủi ro cho sản xuất nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là đối với tôm.
Đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục và thực hiện cam kết về trách nhiệm bảo vệ môi trường theo pháp luật quy định đối với các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung và nuôi trồng thủy sản nói riêng.
Khuyến cáo nông dân trồng lúa trên đất tôm vào mùa mưa, kết hợp với thả tôm càng xanh hoặc các đối tượng thủy sản khác (cua, cá phi...) để cải thiện môi trường và hạn chế tác nhân gây bệnh: vi khuẩn, virus...
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về môi trường ở các cấp, các ngành. Thực hiện xã hội hóa về công tác bảo vệ môi trường.
Giải pháp về cơ sở hạ tầng
Xây dựng và tổ chức thực hiện có kế hoạch sên vét các tuyến kênh cung cấp nước cho nuôi trồng thủy sản hàng năm theo phân cấp để người dân chủ động nguồn nước trong nuôi tôm, giảm thiểu rủi ro do thiếu nước sản xuất như hiện nay.
Hàng năm chính quyền và người dân phải tập trung làm tốt công tác nội đồng để đảm bảo cung cấp nước đến các những nơi xa kênh trục.
Tăng cường đầu tư các công trình đê bao ngăn mặn, giữ ngọt cũng như hệ thống giao thông và điện.
Giải pháp về cơ chế, chính sách:
Tổ chức lại sản xuất và chỉ đạo quản lý sản xuất theo tiểu vùng, kiên quyết vận động nông dân trồng lúa trên đất nuôi tôm vào mùa mưa (đối với cùng sản xuất lúa - tôm).
Có chiến lược về sản xuất như cơ cấu đối tượng, mùa vụ, diện tích với tính chất hợp lý, dễ áp dụng, phù hợp với điều kiện thực tế hoặc chuyển đổi mà không gây khó khăn, trở ngại lớn.
Đổi mới và tổ chức lại sản xuất nuôi trồng thủy sản, mở rộng mô hình hợp tác xã làm dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản xuất nuôi trồng thủy sản để đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ Khoa học - Kỹ thuật, hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, quản lý môi trường. Củng cố và phát triển kinh tế trang trại thủy sản; khuyến khích nông hộ chuyển đổi cơ cấu sản xuất hợp lý, tạo điều kiện để các nông hộ chủ động trong sản xuất, kinh doanh. Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động dịch vụ hậu cần thủy sản.
Tiếp tục khuyến khích người dân sản xuất theo khung lịch thời vụ khuyến cáo của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng các chính sách hiện hành hỗ trợ sản xuất đến người dân một cách kịp thời.
Giải pháp quản lý nhà nước đối với vật tư nông nghiệp:
Tăng cường công tác quản lý chất lượng, thanh tra, kiểm tra chặt chẽ đối với các loại vật tư nông nghiệp đầu vào như: Con giống, thuốc, hóa chất, vi sinh, chế phẩm sinh học và sản phẩm cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng qui định pháp luật.