Sản phẩm xuất khẩu mang về cho quốc gia mỗi năm 1,7 – 1,8 tỷ USD cùng nhiều thành tựu quan trọng khác.
Thời hoàng kim
Năm 1996 là mốc đầu tiên Việt Nam (VN) xuất khẩu cá tra ra thế giới. Cty CP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish) là một trong những đơn vị đi đầu trong việc đưa cá vào thị trường Mỹ. Khi đó, sản phẩm xuất vào thị trường này là cá basa. Giá xuất khẩu có khi lên mức 2,1 – 2,5 USD/Pound (tương đương 4,2 – 5 USD/kg). Ngay trong năm đầu, Agifish xuất sang Mỹ 50 tấn.
TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra VN, cho biết: Sản phẩm cá tra, cá basa VN được người tiêu dùng ưa chuộng, sản lượng xuất khẩu tăng lên nhanh chóng. Năm 2001, xuất khẩu cá tra của DN VN vào Mỹ đạt 8.000 tấn. Con số này tăng lên 20.000 tấn vào năm 2002.
Fillet cá tra đổ bộ “ào ạt” vào thị trường Hoa Kỳ khiến Hiệp hội Các chủ trại nuôi cá nheo Mỹ lên tiếng. Họ đã trình Quốc hội Mỹ ban hành luật, không cho cá tra VN mang tên “casfish”. Chỉ trong 8 năm (từ 2000 – 2008), kim ngạch xuất khẩu (KNXK) cá tra VN vào Mỹ tăng 460 lần, sản lượng tăng 830 lần. Năm 2007, XK cá tra VN đạt tới 1,8 tỷ USD.
Về thị trường, Mỹ và EU là 2 thị trường lớn. Đến tháng 9/2015, thị trường Mỹ chiếm tỷ lệ 20,1% trong tổng KNXK cá tra VN, kế đó là EU (18,9%), Trung Quốc, Hồng Kông (9,9%), ASEAN (8,7%), Mexico (5,6%)… Cá tra VN ngày nay đã xuất khẩu đi 135 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, so với khởi đầu năm 1996, giá xuất sản phẩm vào Mỹ hiện nay chỉ còn một nửa (1 - 1,25 USD/Pound).
Ông Doãn Tới, TGĐ Cty CP Nam Việt cho biết, thời điểm từ năm 2000 - 2003, bình quân 1kg cá tra thịt, ngư dân lãi từ 4.000 – 5.000 đồng. Mỗi kỳ thu hoạch, hộ nuôi ít cũng lãi cỡ tỷ đồng. Đồng lãi từ nuôi cá tra như một “ma lực” lôi kéo nhiều thành phần trong xã hội nhảy vào nghề, bất chấp việc mình có đủ điều kiện về vốn, kinh nghiệm, tay nghề hay không.
“Tôi nhớ thời điểm đó, ai cũng đóng bè, đào hầm nuôi cá tra. Từ nông dân cho đến chủ tiệm vàng, chủ cửa hàng vật liệu xây dựng, cửa hàng xăng dầu, trại cây, kể cả công chức, viên chức… đều lao vào “cuộc chơi”, không theo quy hoạch gì cả. Sản phẩm đầu vào như đất đai, thức ăn (cá biển, bã đậu nành, cám), thuốc trị bệnh… cũng đồng loạt tăng giá. Đất ven sông có nơi lên đến 2 tỷ đồng/ha”, ông Doãn Tới nhớ lại.
Tìm hướng đi bền vững
Hiện trong vùng ĐBSCL có 94 nhà máy chế biến cá tra, tổng công suất gần 1 triệu tấn/năm, dư thừa khả năng chế biến sản lượng cá tra nguyên liệu theo quy hoạch sản xuất từ nay đến năm 2020. Do đó các tỉnh, thành phố trong vùng không nên xây dựng mới, chỉ khuyến khích đầu tư nâng cấp nâng cao năng lực chế biến, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Chế biến cá tra xuất khẩu ở Đồng Tháp
20 năm phát triển với tốc độ nhanh, nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu đã góp phần quan trọng cho nền kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề nuôi này gặp rất nhiều khó khăn. Một trong những nút thắt cần tháo gỡ để ngành phát triển chính là đi vào củng cố chất lượng. Từ chất lượng con giống đến miếng fillet xuất khẩu, chất lượng của viên thức ăn, thuốc trị bệnh lẫn môi trường nước. Con giống suy thoái dẫn đến tỷ lệ hao hụt cao trong quá trình nuôi thương phẩm, nguyên liệu xuất khẩu chưa thực sự đảm bảo.
ThS Vương Học Vinh, nguyên Trưởng bộ môn Thủy sản - Trường ĐH An Giang, cho biết, cần thay đổi nhận thức trong nuôi cá giống, cá thương phẩm. Nghĩa là phải chuyển từ nuôi mật độ dày, cho ăn nhiều, sử dụng kháng sinh liều cao sang nuôi thưa, cho ăn đủ chất, hạn chế sử dụng kháng sinh. Đặc tính của cá tra là mẫn cảm với môi trường nước, việc thay nước liên tục dễ làm cho cá bệnh. Khắc phục tình trạng này, cần áp dụng công nghệ cao vào chăn nuôi, cho nước tuần hoàn qua hệ thống lọc tự động. Môi trường nước không thay đổi, cá sẽ ít bệnh.
Trên lĩnh vực chế biến, cần thực thi nghiêm túc Nghị định 36/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó quy định hàm lượng ẩm không vượt 86%, tỷ lệ mạ băng không vượt quá 10%. Việc này giúp cho sản phẩm xuất khẩu đạt chất lượng tốt hơn. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần kiểm soát chặt chẽ (từ đầu vào đến đầu ra) các loại hóa chất dùng cho tăng trọng, kháng sinh trong quá trình nuôi - như đã từng quản lý chất tạo nạc trong nuôi heo (Salbutamol), cương quyết xử lý những DN làm ăn gian dối. DN cần mạnh dạn tẩy chay những khách hàng có yêu cầu mạ băng cao, nhập hàng gian dối.
+ Ông Nguyễn Ngọc Hải, GĐ HTX nuôi cá tra Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ:
Để nuôi cá tra giảm rủi ro, “sống bền” được, theo tôi chỉ còn cách duy nhất là giữ ổn định diện tích thả nuôi, chính quyền mỗi tỉnh cần khảo sát và nắm nhu cầu SX, chế biến của các DN để đưa ra kế hoạch SX cụ thể theo đề án quy hoạch vùng nuôi.
+ Ông Thái An Lai, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp:
Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các hộ nuôi nhỏ lẻ liên kết thành nhóm SX lớn như tổ hợp tác, HTX, nhằm giúp cho người nuôi được tiếp cận vốn vay ngân hàng, mua vật tư đầu vào với giá rẻ, thực hiện các tiêu chuẩn SX an toàn và đủ lực tạo ra nguồn cá nguyên liệu lớn cung ứng cho DN. Mô hình này có thể giúp cho hộ nuôi cá tra riêng lẻ có thể tiếp tục trụ lại với nghề sau bao năm bỏ ao.
Đối với DN cần mạnh tay sắp xếp lại, giảm bớt đầu mối xuất khẩu. Chấn chỉnh các DN yếu kém, tình hình tài chính không lành mạnh, hoạt động không rõ ràng và cần xem xét qui định việc các DN thương mại (không có nhà máy chế biến) tham gia XK cá tra. Ngành ngân hàng cũng cần xem xét tiếp tục hỗ trợ cho các DN làm ăn tốt, có đầu tư chiều sâu, giải quyết được vấn đề khơi thông dòng vốn cho DN và người nuôi.
+ Ông Đỗ Văn Nghiệp, GĐ Cty TNHH Thương mại Thủy sản AFA (An Giang):
Nhà nước cần có cơ chế để các DN làm ăn thua lỗ cơ cấu lại nợ, đưa xuất khẩu cá tra vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện (như xuất khẩu gạo) để loại trừ những DN không đủ điều kiện. Đây là lực lượng làm ăn hay gian dối, phá giá thị trường, gây ra tình trạng mất kiểm soát từ đầu vào lẫn đầu ra.
Đồng thời, xây dựng lại chiến lược xuất khẩu cá tra với nhiều phân khúc khách hàng khác nhau, trong đó cá nuôi theo tiêu chuẩn GlobalGAP hoặc VietGAP phải bán được với giá cao hơn nuôi bình thường.