Nói là vua quả không ngoa bởi loài cá này có kích thước vào loại “vô địch”, trọng lượng có khi lên tới 150-200kg. Không những thế, thịt cá cũng vào loại “ngon số một” mà không loài cá nào có thể sánh được.
“Huyệt đạo” cá thiêng
Huyền tích về cá Anh vũ kể rằng, loài cá tiến vua chỉ trở nên thiêng nên quý nhờ được sinh sống ở ngã ba sông Bạch Hạc - ngã ba sông huyền thoại của nước Việt và là nơi giao thoa của ba dòng sông lớn Thao - Đà - Lô. Không biết có phải do sự sắp đặt kỳ diệu của tạo hóa hay không mà trên suốt chiều dài mấy trăm cây số đoạn cuối của dòng Mê Kông chảy trên lãnh thổ Việt Nam, cá hô cũng chỉ quần tụ đông nhất ở ngã ba sông Vàm Nao. Càng thú vị hơn khi dòm trên bản đồ địa lý thì cái khúc ngã ba Vàm Nao ấy có hình dạng y phóc một chú cá hô.
Theo lời các lão ngư ở cù lao Bình Thủy (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang - nơi có truyền thống săn bắt cá hô thì gọi đoạn sông chỗ ấy là khóa Vàm Nao bởi nơi đây là nơi giao mối của ba dòng nước, một hướng từ mé sông Tiền chảy sang, một từ Campuchia đổ xuống và một xuôi về Long Xuyên (An Giang). Khúc sông đến đoạn này thì trụt xuống sâu thăm thẳm với vô số hang hốc.
“Suốt chiều dài dòng sông chỉ sâu chừng 6-7 sải tay nhưng duy nhất đoạn khóa Vàm Nao sâu tới 15 sải. Có lần, tàu Pháp bị chìm ở khúc sông này, người ta thả dây hoài mà không thấy chạm đáy”, lão ngư Trần Văn Chảnh (Tư Chảnh-70 tuổi) cho biết.
Chính cái rốn nước sâu Vàm Nao được cá hô chọn làm điểm dừng chân trên lộ trình của cuộc di chuyển từ Biển Hồ xứ Chùa Tháp về phía hạ nguồn. Biển Hồ Tonle Sáp - cái “túi cá” thiên nhiên vĩ đại nối liền với dòng Mê Kông, sông mẹ của các dân tộc vùng Đông Nam Á. Thế rồi cứ đến mùa nước lên, các loài cá ở Biển Hồ lại làm một cuộc di cư về phía hạ lưu sông Mê Kông. Mà khi về đến lãnh thổ Việt Nam nó được gọi là sông Cửu Long. Nếu như con chim sâm cầm trên đường thiên di gần 5.000 km từ xứ Cao Ly về phương Nam chỉ dừng chân ở mặt nước Hồ Tây (Hà Nội) thì cá hô đã chọn ngã ba sông Vàm Nao làm chốn nghỉ dưỡng.
Sở dĩ cá hô được gọi là “vua” các loài cá nước ngọt là bởi vì nó có kích thước vào hàng “to lớn” nhất, “khủng” nhất trong các loại cá. Cái sự “bự chảng” của cá hô thì dám chắc những người chưa một lần “mục sở thị” cũng khó ngờ và không tưởng tượng ra nổi. Hãy hình dung con cá chép thông thường có trọng lượng khoảng 1,5-2kg thì con cá hô được phóng đại gấp... 100 lần. Nghĩa là nó có thể nặng tới 150-200kg. Thậm chí người ta đã từng thấy có con cá hô dài 3 mét, nặng tới 300kg. Trọng lượng ấy xấp xỉ một con bò, nặng hơn chiếc xe máy thì đúng là cực kỳ hiếm trong các loài cá nước ngọt.
Những người già lẫn những khách thương hồ thường qua lại trên sông vẫn thường kể rằng, vào những ngày nước ròng trăng sáng họ vẫn thường thấy con cá hô phi thân lên khỏi mặt nước phô diễn sức mạnh “chúa tể sông ngòi”. Cả thân hình nó to như một tấm ván ngựa, vây ánh bạc, hai con mắt to bằng hai miệng chén ăn cơm. Nó quẩy một cái làm mặt sông nổi sóng, tung bọt trắng xóa và tạo nên một tiếng động ầm ầm chẳng khác nào bom nổ.
“Các cụ bảo đó là do bị con vắt chui vào mang ngứa nên cu cậu mới nhào lên mặt nước cho vắt chui ra”, ngư dân Nguyễn Văn Ba (54 tuổi, ấp Bình Thiện, xã Bình Thủy) kể.
Món gì cũng “ngon hết sảy”
Từ xưa đến nay chưa một ai ở Bình Thủy lặn xuống sông mà thấy cá hô, cũng không ai biết nó trú ngụ ở hang hốc, luồng lạch nào. Cách duy nhất là đợi cá hô nhào lên khỏi mặt nước rồi cứ khúc sông đó mà giăng lưới... chờ. Theo dấu cá hô “cực thí mồ” nhưng ngư dân ai cũng khoái, cũng ham. Bởi lẽ bắt được một con là cầm chắc lượng vàng, cũng đáng “đồng tiền bát gạo”. Hơn nữa trong đời người ngư phủ, bắt được con cá chúa, “vua của các loài cá” thì mới xứng đáng là tay săn cá lão luyện. Thời hoàng kim, ở Bình Thủy từng có vài chục tay lưới cá hô cự phách.
Ngư dân Nguyễn Văn Ba
Ngư dân Nguyễn Văn Ba bảo, săn cá hô phải săn cá to mới thú. Thế nên họ phải sắm một tấm lưới cũng thuộc hàng kỷ lục. Lưới bện bằng chỉ Nhật, dài 70-80m, sâu cỡ 6-9 thước. Mắt lưới rộng chừng 4 tấc rưỡi. Dùng lưới này, cá to 40-50 ký chui lọt chỉ có cá từ 60 ký trở lên mới trúng. Đã trúng là trúng lớn. Một tấm lưới cá hô khi đó trị giá tới 6-7 chỉ vàng, là một tài sản rất lớn.
Trong suốt gần 15 năm hành nghề săn cá hô, ông Ba cũng không nhớ mình đã được bắt được bao nhiêu con cá hô. “Con nặng 70-80 ký thì nhiều lắm. Nhưng cả đời tôi nhớ nhất là lần bắt được con cá hô nặng 160 ký. Phải dùng hai cái cân đòn mới cân nổi”, lão ngư bồi hồi nhớ lại.
Không chỉ có kích thước khổng lồ, cá hô còn có một tập tính rất lạ. Gặp lưới là tự chui đầu vô, đến chừng vướng lưới lại cứ nhảy lên nên sau một hồi chính nó tự quấn mình trong tấm lưới. Cũng chính bởi điều này nên người dân xứ sông nước gọi nó là “cá thầy chùa”, “bự con mà hiền khô”.
Có người còn nghêu ngao, có lẽ tại con cá sống lâu ở đất nước Chùa Tháp, nghe nhiều kinh Phật nên cũng “hiền như Bụt”. Trong bụng cá chỉ có duy nhất một thứ là cát non. Không biết có phải vì không “sát sinh” các loài cá khác, chỉ ăn rong tảo, cát non mà cá hô hiền lành vậy không?
Những ngư dân kỳ cựu nói rằng đánh cá hô là nghề nhàn tản nhưng nguy hiểm và kỳ lạ. Ngư dân chỉ việc căng lưới rồi vài tiếng sau ra thăm, kéo lưới thấy nặng là dính cá hô, còn nếu nhẹ tênh lại thả tiếp. Nhưng không phải cứ có lưới mang ra thả là trúng, nó còn phụ thuộc vào cái duyên và sự may rủi.
“Thông thường cách duy nhất để bắt cá hô là dùng lưới. Nhưng trong đời, tôi từng 2 lần câu trúng cá hô. Mà trúng con những 130 ký. Đó cũng là lúc vợ tôi đang ốm. Khi giăng câu tôi chỉ khấn trời sao trúng con cá lớn để có tiền thuốc thang cho vợ không ngờ lại trúng cá hô lớn như vậy”, ông Ba nhớ lại.
Cá hô cỡ 5-10 ký sống ít nhất cũng vài năm, còn những con khổng lồ hàng trăm ký không biết đã trải qua hàng bao nhiêu năm. Nó đã hấp thụ bao nhiêu dưỡng chất của sông nước, sống qua bao nhiêu mùa di cư mà trở nên quý hiếm. Thế nên hết thảy những người đã có dịp thưởng thức qua món ăn chế biến từ cá hô đều phải gật gù công nhận “ngon hết sảy”.
Thịt cá vừa ngọt vừa dai nhưng không dai như thịt heo, thịt bò mà vừa dai vừa có nhiều sụn sần sật. Cá hô chế biến món gì cũng ngon nhưng với những lão ngư đã từng hạ gục hàng trăm con cá hô thì “thịt cá ăn mãi cũng nhàm”. Chỉ có hai món “thượng hạng” nhất chính là phần miệng “hô” ra và cái bong bóng cá.
Thông thường, cá hô nhỏ, người ta chặt bỏ cái phần hô nhô ra ngoài. Nhưng nếu cá lớn vài chục ký hoặc đến một trăm ký thì cái phần hô cân cũng được vài ba ký mà lại là phần sụn, nấu mềm với canh chua thì đúng là “ngon dữ lắm”, không có món gì có thể so sánh được.
Cái sụn của miệng cá hô ninh kỹ ăn nghe sần sật thật đúng câu “miệng nhai tai nghe”, đã răng đã miệng mà còn đã cả tai. Thứ hai là cái bong bóng cá dày như miếng cùi dừa, xào giấm thêm bông cải khi ăn sừng sực, dai dai mà giòn ngon không thể tả. Thứ này mà nhâm nhi với rượu đế là muốn say quên trời quên đất.
Càng quý càng hiếm thì giá cá hô lại càng đắt. Bây giờ thương lái có thể trả giá tới 2 triệu đồng/kg. Nghĩa là nếu bắt được con cỡ trăm ký là cầm chắc vài trăm triệu đồng trong tay. Thế nhưng làm gì còn cá hô mà bắt. Chuyện cá hô trân quý lẫn những món ăn thuộc hàng “sơn hào hải vị” kia, tất cả đã trở thành “vang bóng một thời”.
Với cách đánh bắt dùng lưới cào, xung điện thì đến các loài cá nhỏ cũng bị tận diệt chứ đừng nói gì đến loài khổng lồ như cá hô. Từ năm 1999 trở về sau, cá hô hiếm dần, những cao thủ “sát cá hô” gắng gượng thêm vài năm rồi cũng đành buông chèo gác lưới. Văn Ba, Tư Chảnh tháo lưới cá hô làm thành vài chục chiếc võng cho anh em họ hàng mỗi người cái nằm chơi.
“Bỏ nghề săn cá hô rồi tôi cũng bỏ nghề lưới luôn. Đến nay đã cả chục năm rồi không còn thấy có con cá hô nào to hàng trăm ký”, lão ngư Văn Ba hướng ánh mắt xa xăm về phía ngã ba sông Vàm Nao nói.