Trên diện tích mặt hồ gần 2 ha, theo quy trình cải tạo ao đầm nuôi tôm quảng canh, ông Nguyễn Phước Toàn sử dụng loại chế phẩm sinh học HoSaNa của Công ty TNHH An Phước (Đồng Nai) sản xuất và đầu tư 100% vốn. Sau gần 3 tháng nuôi theo kỹ thuật được khuyến cáo, đầm tôm của ông Toàn đạt trọng lượng từ 30 con đến 40 con/ kg. Ông Toàn cho biết, trừ đi chi phí, đầm tôm của ông ông còn lãi trên 100 triệu đồng.
Ông Lê Trường Kỳ, thường vụ Hội Nông dân huyện Thới Bình nhận xét: việc nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học bước đầu đạt hiệu quả rất tốt, góp phần giảm các loại hóa chất, thuốc kháng sinh, tạo ra sản phẩm tôm có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu trong nước và cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu. Cách nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học nông dân sẽ giảm được chi phí sản xuất từ 10% – 20% so với cách nuôi thông thường. Mặt khác, sử dụng chế phẩm sinh học sẽ giúp cải thiện màu nước, ổn định PH, cân bằng hệ sinh thái, làm giảm các độc tố, giảm lượng vi khuẩn có hại trong ao nuôi, tăng sự hòa khí oxy tan vào nước. Giúp tôm nuôi có nhiều thức ăn và tiêu hóa tốt, đáp ứng miễn dịch, tăng khả năng kháng bệnh cho tôm giảm số lần thay nước trong suốt quá trình nuôi.
Ông Lê Bình Nguyên, Trưởng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Thới Bình cho biết, toàn huyện hiện có trên 45.000 ha diện tích mặt nước đầm nuôi tôm. Nhiều năm qua, việc sử dụng chế phẩm sinh học vào nuôi tôm của nông dân trên địa bàn huyện không nhiều, chỉ được áp dụng thí điểm và đạt hiệu quả ở một số hộ nuôi tôm đúng quy trình kỹ thuật. Để nông dân được tiếp cận với mô hình nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học, ngành chức năng thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn quy trình nuôi, từng bước giảm thiểu rủi ro, nâng cao năng suất, sản lượng tôm nuôi cho bà con nông dân trong huyện.