Slamet Soebjakto, Tổng giám đốc phụ trách nuôi trồng thủy sản Indonesia, cho biết việc đặt ra mục tiêu trên là dựa vào sản lượng 320.000 tấn tôm mà nước này đã đạt được trong suốt sáu tháng qua.
Ông Soebjakto nhận định Indonesia có tiềm năng trở thành nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới và nước này sẽ được hưởng lợi từ dịch bệnh tôm chết sớm (EMS), đang hoành hành ở Thái Lan, Việt Nam và Malaysia .
Trong một diễn biến liên quan, trong khi ngành tôm của Indonesia và Thái Lan được hưởng mức áp thuế chống trợ cấp (CVD) bằng 0% từ Bộ Thương mại Mỹ (DOC, thì Ecuador lại phải chịu mức thuế là 11,68%. Điều đó khiến ngành tôm nước này thiệt hại tới 60 triệu USD.
Tuy nhiên, các quan chức ngành tôm Ecuador cho biết họ có thể sẽ gửi đơn khiếu nại tới Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về mức áp thuế chống trợ cấp tôm xuất khẩu sang Mỹ, thị trường lớn nhất của họ.
Trong quyết định sơ bộ hồi tháng 5/2013, DOC đã tuyên bố tôm Ecuador được miễn áp thuế CVD. Tuy nhiên, tới ngày 12/8, DOC đã đảo ngược quyết định trên và đưa ra phán quyết cuối cùng, áp thuế suất 11,68% với tôm Ecuador .
Theo đó, quyết định trên có hiệu lực từ ngày 26/7 và cũng sẽ áp dụng chung cho các nước khác. Mỹ cho rằng hoạt động xuất khẩu từ các nước có trợ cấp ảnh hưởng đến ngành tôm của Mỹ.
Năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Ecuador đạt 1,27 tỷ USD, và khoảng 40% trong số đó (512 triệu USD) là xuất sang Mỹ./.