Rất nhiều chiết xuất thảo dược đã được báo cáo có khả năng kháng khuẩn, chống lại một số bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Chiết xuất thảo dược được xem là những loại dược liệu tự nhiên, với những hoạt chất có tác dụng ức chế mầm bệnh và kích thích miễn dịch đối với cá và tôm.
Ba loại thảo dược trong thí nghiệm này là Ngải Bún (Nga Truật) (Boesenbergia pandurata), Cà lông (cà trời) (Solanum ferox) và Gừng gió (ngải xanh) (Zingiber zerumbet) được phối trộn để hỗ trợ hệ miễn dịch, giúp ngăn ngừa và điều trị sự xâm nhập của vi khuẩn Aeromonas hydrophila và Pseudomonas fluorescens trên cá rô phi vằn.
Trong nghiên cứu này, thức ăn được trộn với hỗn hợp chiết xuất của 3 loại thảo dược trên, trong một thời gian nhất định, mỗi ngày 3 cử (3-5% trọng lượng cơ thể cá). Chia làm 3 nhóm khác nhau: phòng ngừa, điều trị và đối chứng rồi thực hiện đánh giá, so sánh thống kê.
Sau thí nghiệm, tiến hành đo các chỉ số miễn dịch (bạch cầu, hồng cầu, thực bào) và tỷ lệ sống của cá thí nghiệm để rút ra kết luận về hiệu quả của hỗn hợp chiết xuất 3 loại thảo dược với việc phòng và điều trị bệnh nhiễm khuẩn trên cá rô phi. Ở đây cũng sẽ đưa ra những thảo luận cụ thể về việc thúc đẩy các hoạt động miễn dịch của cá và tính kháng khuẩn đặc trưng của hỗn hợp ba hoạt chất trên.
Phương pháp và vật liệu
Nghiên cứu này được thực hiện trong vòng 2 tháng, tại Phòng thí nghiệm của trường Đại học Mulawarman, miền Đông Kalimantan, Indonesia. Các chiết xuất từ 3 loại thảo dược cũng được tiến hành thu tại đây và phối trộn với liều lượng 600mg/l B. pandurata, 900mg/l S. ferox và 200mg/l Z. zerumbet theo tỉ lệ 1:1:1.
Cá được chọn là cá rô phi vằn (Oreochromis niloticus) với kích thước 15± 2g từ miền đông Indonesia. Sau đó cá được nuôi tại phòng thí nghiệm trong 2 tuần, tiếp theo được gây bệnh với A. hydrophila và P. fluorescens, mật độ mỗi vi khuẩn là 105 CFU/ml, tỉ lệ vi khuẩn 1:1 với liều 0,1ml cho từng con cá.
Chia làm 3 nhóm:
A là cá nuôi cho ăn thức ăn trộn hỗn hợp chiết xuất trước rồi mới tiêm vi khuẩn (phòng ngừa).
B là cá nuôi tiêm vi khuẩn trước rồi cho ăn thức ăn trộn hỗn hợp chiết xuất sau (điều trị).
C là cá bị tiêm vi khuẩn và ăn thức ăn không trộn hỗn hợp chiết xuất (đối chứng).
Tiến hành thí nghiệm như sau:
Nhóm A: cho cá ăn thức ăn có trộn hỗn hợp chiết xuất ngay từ lúc đầu (3-5% trọng lượng thân), đến ngày thứ 6 thực hiện tiêm 0,1ml mỗi vi khuẩn vào từng con cá. Từ ngày thứ 7 cho cá ăn lại thức ăn bình thường (không trộn hỗn hợp chiết xuất) cho đến ngày thứ 28 thì kết thúc.
Nhóm B: tiêm vi khuẩn vào mỗi con cá ngay từ ban đầu, sau 3 ngày mới cho ăn thức ăn trộn hỗn hợp chiết xuất, đến ngày thứ 9 thì ngưng cho cá ăn thức ăn trộn với thảo dược và ăn lạithức ăn bình thường đến khi kết thúc thí nghiệm.
Nhóm C: tiêm vi khuẩn vào đầu thí nghiệm rồi cho ăn bình thường với thức ăn không phối trộn để làm đối chứng.
Tính tỉ lệ cá xuất hiện triệu chứng bệnh do vi khuẩn, % tế bào thực bào (PI), hoạt động hô hấp (RBA), hoạt động của enzyme lysozyme(LA), số lượng hồng cầu và bạch cầu, tỷ lệ sống và phân tích thống kê số liệu thu được.
Kết luận
Triệu chứng bệnh xuất hiện là cá bị sẫm màu, mất thăng bằng, bơi lội không định hướng, hô hấp ngưng trệ, thối vây và lồi mắt với tỉ lệ 60% ở nhóm C. Đối với nhóm A thì theo dõi không thấy có dấu hiệu bệnh lý nào xảy ra, nhóm B triệu chứng rất hiếm gặp, chỉ vào khoảng <10% tổng cá thể cá của nhóm này.
Phân tích các chỉ số thống kê cho thấy trong nhóm phòng ngừa và điều trị, hiệu quả kháng khuẩn rất cao so với nhóm đối chứng. Giữa 2 nhóm này, sự khác biệt cũng không đáng kể. Chiết xuất của Ngải bún và Gừng gió hiệu quả hơn đối với A. hydrophila, Cà lông thì hiệu quả hơn đối với Pseudomonas sp. Và sự phối trộn sẽ có hiệu quả hơn các chiết xuất đơn lẻ.
Tỉ lệ phối trộn 1:1:1 các chiết xuất Ngải bún: Cà lông: Gừng gió sẽ cải thiện hệ miễn dịch không đặc hiệu của cá. Sau 4 tuần khảo sát, tỉ lệ hồng cầu, bạch cầu cũng như chỉ số thực bào của các tế bào bạch cầu đều cao hơn rất nhiều. Khi dùng trong nhóm phòng ngừa và điều trị chỉ ra rằng, hỗn hợp có hiệu quả bảo vệ cá rô phi khỏi nhiễm khuẩn một cách vượt trội.
Phân tích hóa học cho thấy chiết xuất 3 loại thảo dược chứa flavonoid alkaloid, steroid và carbohydrate. Đây là những thành phần có khả năng kháng khuẩn rất cao. Hiệp lực của 3 loại thảo dược với nồng độ ngải bún 600mg/l, cà lông 900mg/l và 200mg/l gừng gió cho thấy có thể kích thích hệ miễn dịch làm nhiệm vụ phòng ngừa lẫn điều trị bệnh nhiễm khuẩn A. hydrophila và P. fluorescens với cá rô phi.