Ông Thái chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi cua xanh đã 3 năm. Mặc dù lợi nhuận có thể không cao như khi trúng mùa tôm, nhưng đối với con cua, người nuôi có thể yên tâm “ăn chắc, mặc bền”. Với diện tích hồ nuôi hơn 26.000 m² đã đem lại lợi nhuận bình quân cho gia đình tôi gần 300 triệu đồng/năm”.
Cũng theo ông Thái, việc nuôi cua đơn giản hơn nuôi tôm rất nhiều, chi phí đầu tư cũng thấp. Bình quân 1 năm gia đình ông thả nuôi 9 tháng liên tục (cua giống mua từ Trung tâm Giống thủy sản Bình Định), khi nuôi được 3 tháng cua đạt kích cỡ 200 gr/con ông bắt đầu bán dần, và tiếp tục thả xen lứa mới. Nuôi cua xanh thương phẩm ít rủi ro vì vật nuôi này ít bị dịch bệnh, nếu có bệnh thì người nuôi cũng dễ phát hiện và điều trị dễ dàng hơn nhiều so với nuôi tôm.
Ông Thái còn thả xen tôm trong ao nuôi để tận dụng nguồn thức ăn thừa từ cua nhằm nâng cao lợi nhuận. Nuôi tôm, cua xen nhau không sử dụng thức ăn công nghiệp nên sản phẩm rất được thị trường ưa chuộng; bình quân giá cua bán ra từ 170 - 200 ngàn đồng/kg, giá tôm cũng cao hơn so với tôm nuôi chuyên canh khoảng 10.000 đồng/kg.
Từ thành công của mô hình nuôi cua xanh thương phẩm ở hộ ông Nguyễn Tất Thái, trong năm 2018, Trạm Khuyến nông huyện Hoài Nhơn chọn hộ ông làm điểm để nhân rộng mô hình ra các địa phương trong huyện. Qua đó giúp người dân học hỏi, nắm bắt quy trình nuôi, góp phần cải tạo môi trường ao nuôi, giải quyết được bài toán ô nhiễm môi trường do nghề nuôi tôm gây ra, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân trong vùng.
Ông Sử Văn Hưng, cán bộ Trạm chăn nuôi và thú y huyện Hoài Nhơn, cho biết: “Ước tính hiện nay toàn huyện Hoài Nhơn có khoảng hơn 50 hộ nuôi cua xanh thương phẩm với diện tích trên 20 ha, theo hình thức quảng canh cải tiến và bán thâm canh. Nuôi cua xanh ít rủi ro, vốn đầu tư ban đầu thấp và ít gây ô nhiễm môi trường so với nuôi tôm thẻ chân trắng, nên nghề nuôi cua xanh thương phẩm đang được huyện khuyến khích nhân rộng”.