Tìm hiểu những thông tin sơ lược về san hô
Một số người lầm tưởng rằng san hô là một loại khoáng vật quý hiếm nhưng thực chất san hô là loại động vật biển thuộc lớp Anthozoa tồn tại dưới dạng các thể polip nhỏ.
Các rạn san hô chỉ chiếm khoảng 0.2% tổng diện tích đại dương, trải dài khoảng 15% dải bờ biển thế giới.
Rạn san hô tồn tại ở tầng nước nông với độ sâu khoảng 30m.
San hô sử dụng các xúc tu để bắt con mồi và làm tê liệt chúng bởi loại chất độc có tên nematocyst.
Điều kiện môi trường sống của san khô khá “kén chọn”. Chỉ cần nhiệt độ của nước tăng 1-2 độ , quá tải chất dinh dưỡng như chìm ngập trong lớp tảo dày, hoặc độ mặn của nước giảm san hô có thể dễ dàng bị chết.
Theo thống kê của các nhà khoa học, năm 1998 có đến 16% các rạn san hô trên toàn cầu bị chết bởi dịch tẩy trắng san hô, nhiều rạn san hô tại vùng biển Indonesia bị tẩy trắng 100%.
Các nhà khoa học dự đoán từ năm 2030 đến năm 2050 hơn 90% tổng số loài san hô trên thế giới sẽ bị hủy diệt bởi sự biến đổi khí hậu khắc nghiệt, sự tàn phá của con người qua các tác động trực tiếp đến môi trường sống của san hô.
Tuy nhiên, hiện nay hàng loạt công trình nghiên cứu đã mang lại chiều hướng tích cực trong việc bảo vệ các rạn san hô, trong số đó phương án điện phân nước biển khá khả quan.
San hô đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc cân bằng hệ sinh thái, hơn ¼ loài cá biển tập trung ở các rạn san hồ ngầm, chất canxi kết tạo trong các rạn san hô cung cấp cát và trầm tích để rừng ngập mặn và cỏ biển sinh trưởng. Hơn nữa, việc san hô sống tập trung dưới dạng quần xã dã tạo nên các dải liên kết tạo thành đê chắn sóng cho sự phát triển của rừng ngập mặn.
Trung tâm Nghiên cứu đặc biệt ARC về sự phát triển của di truyền học phân tử đã khám phá ra rằng trong cơ thể của san hô chứa tầm 20.000- 25.000 loại gen. Tuy có lượng gen lớn như vậy nhưng chúng chỉ tổ hợp 12- 14 loại tế bào cơ thể.
Phần lớn san hô sinh sản hữu tính, chúng dựa vào tảo biển để phát tán con giống bằng cách phóng giao tử ( trứng và tinh trùng).
Những rạn san hô nổi tiếng nhất trên thế giới
Rạn san hô Great Barrier, Úc
Great Barrier được coi là rạn san hô nổi tiếng nhất trên thế giới với chiều dài lên tới 2600km, diện tích vào khoảng 345.000km2 chứa hơn 400 loài san hô khác nhau. Các nhà hải dương học đã nghiên cứu cho thấy cấu trúc các dải san hồ ngầm tại Great Barrier đã phát triển được hơn 18.000 năm từ trên nền địa chất cũ. Tuy nhiên, hiện nay địa danh nổi tiếng bậc nhất này đang bị đe dọa bởi sự khai phá quá mức và ô nhiễm môi trường.
Rạn san hô tại vùng Biển Đỏ
Biển Đỏ nằm giữa Châu Phi và Châu Á, nơi tập trung của các rạn san hô 5000-7000 năm tuổi kết tạo từ các rạn Acropora, Porites Chiều dài các rạn san hô tới 1900km, chủ yếu thuộc biên giới biển của các nước Israel, Ai Cập và Djibouti.
Rạn san hô New Caledonia, Nam Thái Bình Dương
Rạn san hô New Caledonia dài 1500km bao quanh Grande Terre, thuộc địa cũ của Pháp. Độ sâu trung bình của các rạn san hô vào khoảng 25m, cách bờ biển khoảng 30km. San hô ở đây khá đa dạng về chủng loài, sự đặc hữu cao (hiện trạng trong sinh thái học khi một loài vật chỉ sinh sống tự nhiên ở một nơi).
Rạn san hô Florida, Hoa Kỳ
Rạn san hô Florida được xếp vào vị trí thứ 3 trên thế giới nổi tiếng về diện tích và sự đa dạng chủng loài san hô. Nơi đây cũng tập trung các rạn san hộ có 5000-7000 năm tuổi, hình thành và phát triển sau khi dải băng Winconsinan tan. Có hơn 1.400 loài thực vật biển và động vật, trong đó có hơn 40 loài san hô đá và 500 loài cá sống trên các rạn san hô Florida.
Rạn san hô tại Andro, Bahamas
Các rạn san hô ngầm trải dài từ vùng biển phía đông của hòn đảo Andros, Bahamas nổi tiếng với hơn 160 loài cá và san hô sinh sống tại phía tây Đại Tây Dương. Nó có diện tích vào khoảng 6000km2 và đã bị hao mòn đáng kể do tác hại của môi trường xung quanh.