* Thời cơ cho thủy sản vào cuối năm?
Thị trường ấm dần
Theo Tổng cục Thủy sản, quý I/2016, giá trị SX ngành thủy sản ước đạt gần 35,4 nghìn tỉ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó giá trị nuôi trồng thủy sản đạt gần 17 nghìn tỉ đồng, tăng 0,9%, giá trị khai thác thủy sản đạt hơn 18,4 nghìn tỉ đồng, tăng 3,8%.
Trong khi đó, tình hình XK thủy sản 3 tháng đầu năm đang có nhiều tín hiệu tích cực, nhất là đối với mặt hàng tôm. Hiện giá tôm tại ĐBSCL đã tăng rất mạnh từ 15 - 20 nghìn đồng/kg so với các tháng đầu năm 2016.
Cụ thể, tôm thẻ chân trắng cỡ 100 con/kg có giá từ 95 - 115 nghìn đồng/kg, tôm sú cỡ 30 con/kg có giá từ 240 - 280 nghìn đồng/kg. Đối với cá tra, mặc dù mức giá chung trong toàn quý I/2016 giảm so với cùng kỳ năm 2015 từ 2,5 - 3,5 nghìn đồng/kg, tuy nhiên từ đầu tháng 3 đến nay, giá cá tra cũng đã bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại.
Theo Tổng cục Hải quan, giá trị XK thủy sản tính đến ngày 15/3 ước đạt gần 1,2 tỉ USD, tăng gần 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó tính riêng nửa đầu tháng 3, giá trị XK đạt trên 240 triệu USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2015.
Theo Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam, từ đầu năm 2016 đến nay, XK thủy sản sang thị trường Mỹ và Trung Quốc tăng mạnh nhất với mức tăng lần lượt là 26% và 36%. Việc Hoa Kỳ mới đây tiếp tục cho phép thêm 23 DN được XK thủy sản vào nước này, nâng tổng số DN được phép XK lên 43 cũng đã góp phần kéo được mức tăng chung của XK toàn ngành thủy sản. Bên cạnh đó, thị trường EU và Nhật Bản hiện cũng đã cơ bản chấm dứt giai đoạn tụt giảm, bắt đầu ấm dần.
Mặc dù thị trường XK có nhiều lạc quan, tuy nhiên tại cuộc họp tổng kết ngành thủy sản quý I/2016 diễn ra hôm qua (28/3), Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám không khỏi lo lắng đối với SX trong nước, nhất là trong bối cảnh tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đang ảnh hưởng nặng nề tại vùng nuôi trọng điểm ĐBSCL.
Theo ông Tám, mặc dù diện tích nuôi tôm quảng canh không giảm so với mọi năm, tuy nhiên diện tích nuôi tôm thâm canh lại đang giảm mạnh so với cùng kỳ.
Các tỉnh ĐBSCL phải khẩn trương lấy nước ngọt cho thủy sản trong những thời gian tới.
Vụ nuôi năm 2016, Bộ NN-PTNT đã sớm điều chỉnh lịch xuống giống sớm hơn 1 tháng so với mọi năm, nhưng hạn và xâm nhập mặn đã khiến lượng tôm thâm canh xuống giống đợt 1 vào tháng 12/2015 ước chỉ bằng 50% so với năm ngoái. Trong bối cảnh này, việc đề ra giải pháp chỉ đạo nhằm ổn định SX trong nước từ nay đến cuối năm đang hết sức cấp thiết.
Nước sắp về, sẵn sàng tích trữ
Ông Nguyễn Viết Nghĩa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản, lạc quan đánh giá: Theo dự báo, ngay sau khi kết thúc đợt El Nino dài lịch sử vào giữa năm nay, khả năng 70% sẽ xảy ra hiện tượng La Nina.
Theo đó tần suất các cơn bão dự báo sẽ nhiều hơn trung bình nhiều năm, mưa lớn sẽ có khả năng xuất hiện muộn ở các tỉnh phía Nam từ khoảng tháng 7 đến tháng 12/2016. Hạn mặn có thể sẽ cơ bản không còn căng thẳng.
Ngược lại, nguy cơ mưa lớn làm giảm độ mặn, ảnh hưởng tới nuôi trồng thủy sản sẽ phải được chủ động đề phòng. Vì vậy trong bối cảnh thị trường XK đang tốt trở lại, nếu giải quyết tốt việc xuống giống trong đợt 2 năm 2016, khoảng thời gian nửa cuối năm 2016 thậm chí có thể nói là cơ hội rất thuận lợi cho thủy sản các tỉnh phía Nam.
Theo ông Phạm Khánh Ly, Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản): Đến ngày 28/3, nước nước ngọt do các hồ thủy điện thượng nguồn sông Mekong xả xuống đã về tới Campuchia. Dự báo khoảng từ ngày 2/4, nước ngọt sẽ bắt đầu về tới hệ thống sông tại ĐBSCL.
Bơm nước cứu đồng ruộng
Dự báo, nước ngọt từ hệ thống sông Mekong có thể luồn sâu vào các hệ thống sông nhánh tại ĐBSCL khoảng 40km tính từ cửa sông chính. Đây là cơ hội tốt để các địa phương tích nước ngọt, chuẩn bị cho vụ xuống giống mới.
Trước tình hình này, Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo: Bên cạnh việc giữ và thu hoạch có hiệu quả tôm lứa một hiện có, mục tiêu phải đẩy mạnh diện tích tôm nước lợ trong vụ xuống giống đợt 2 năm 2016.
Trước mắt, Tổng cục Thủy sản phải khẩn trương có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương có kế hoạch lấy nước, trữ nước ngọt phục vụ cho vụ tôm đang lứa một cũng như chuẩn bị cho đợt xuống giống lứa hai. Để chủ động đón đầu lứa xuống giống thứ hai, các địa phương cần khẩn trương hướng dẫn người nuôi chủ động ươm giống trước để tăng kích cỡ tôm giống, khi có nước đủ điều kiện thì tranh thủ thả ngay.
“Do mặn xâm nhập sâu, đã có tình trạng thủy sản nuôi ở một số địa phương ĐBSCL bị chết do sốc độ mặn. Vì vậy cùng với việc khẩn trương lấy nước ngọt trong đợt tới, Tổng cục Thủy sản phải tập trung tổng lực hệ thống quan trắc, cảnh báo mặn vào các vùng nuôi trọng điểm tại ĐBSCL để chủ động đưa ra các cảnh báo sớm cho người nuôi, không để xảy ra thiệt hại do mặn như thời gian qua. Vụ Nuôi trồng thủy sản phải khẩn trương bố trí nhân lực, cán bộ thường trực tại các tỉnh ĐBSL để giám sát, hướng dẫn các địa phương ứng phó”, Thứ trưởng lưu ý.
Quý I/2016, thời tiết thuận lợi, giá dầu giảm, XK tăng mạnh trở lại cũng giúp hoạt động khai thác thủy hải sản tăng mạnh. Tổng sản lượng thủy hải sản khai thác toàn quý I đạt 722,1 nghìn tấn, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó khai thác biển đạt 683,8 nghìn tấn, tăng gần 4%.
Việc Hoa Kỳ ra “tối hậu thư” sẽ áp dụng triển khai Chương trình giám sát cá da trơn theo Đạo luật nông nghiệp 2014 (Farm Bill) sau 18 tháng (kể từ đầu tháng 3/2016) cũng đang đặt lên vai ngành thủy sản nhiều việc phải làm trong thời gian tới.
Được biết, vào ngày 7/4 tới đây, Hoa Kỳ sẽ chủ trì hội nghị các nước XK cá tra vào nước này tại TP.HCM.
Theo đó, phái đoàn Mỹ cũng sẽ trực tiếp xuống kiểm tra vùng nuôi cá tra tại một số tỉnh ĐBSCL.
Theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, hội nghị này sẽ là cơ hội để Việt Nam kiến nghị tháo gỡ các quy định kỹ thuật cũng như tranh thủ các giải pháp hỗ trợ thực hiện SX theo Farm Bill mà Mỹ đã cam kết sẽ giúp đỡ Việt Nam. “
Hiện các địa phương vẫn rất mù mờ và lúng túng về Farm Bill. Vì vậy trên cơ sở kết luận của Hội nghị ngày 7/4 tới đây, Tổng cục Thủy sản sẽ phải bám sát và có hướng dẫn phổ biến lại chi tiết để các địa phương chủ động có kế hoạch thực hiện”, Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo.